Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Nghệ thuật buông xả

Bài viết của Minh Niệm
MN chép lại từ Blog của Nguyen Anh


Ta thường nghĩ rằng để có hạnh phúc thì cần phải nắm bắt càng nhiều điều kiện tiện nghi càng tốt, cho nên hễ có cơ hội là ta cứ tha hồ tích góp mà không hề biết chối từ. Nhưng điều lạ lùng là càng tích góp bao nhiêu ta càng thấy thiếu thốn và lạc lõng bấy nhiêu. Tại vì những thỏa mãn kia đã làm cho cơ chế cảm xúc bùng vỡ và nó buộc ta phải thường xuyên nạp cho nó một lượng cần thiết thì nó mới chịu lắng yên. Để phục vụ cho cơn cảm xúc nhất thời ấy, ta đã tiêu tốn rất nhiều năng lượng và đôi khi chấp nhận phương hại đến phẩm chất đạo đức, để rồi khi cảm xúc rút lui thì tâm hồn ta trở nên quạnh hiu, xơ xác.
Ta hãy nghiệm lại chính mình, cái gì đã khiến cho phẩm chất đời sống của ta trở nên yếu kém như vậy? Có phải vì nhận thức sai lầm, vì sự kích động của môi trường chung quanh, ta đã để cho lòng tham của mình bị tưới tẩm nên ta cố gắng tìm mọi cách đem những món tiện nghi vật chất ấy về cho bằng được. Hồi đầu ta nghĩ rằng nếu không có nó thì ta không thể sống thoải mái và hạnh phúc được, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn ngủi là ta đã nhàm chán và không còn muốn nhìn tới nó nữa. Nhiều khi đồ đạc để chật kín cả nhà, không còn lối đi, không còn không gian để thở, nên ta đành phải đem cho bớt. Bấy giờ ta bỗng nhận ra buông xả cũng đem lại cảm giác an bình và hạnh phúc.
Tiện nghi về tinh thần cũng vậy, không phải lúc nào ta cũng cần nó hay cần nó một cách xa xỉ. Một thuyền trưởng tài giỏi thì phải biết cách giải cứu con thuyền quá khẳm của mình khi nó không thể tiến tới phía trước hay không thể nhúc nhích được nữa. Đôi khi vị thuyền trưởng ấy phải chấp nhận quẳng bớt những thùng hàng hóa thật to xuống biển, dù biết rằng những thùng hàng ấy rất đắt giá. Sự công nhận, ngợi khen, kính trọng, thương yêu là những nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng nếu vì nó mà ta phải gồng mình lên để đối phó hay phải vắt kiệt năng lượng để giữ gìn, đến nỗi ta không còn là chính mình hay mất cả phương hướng sống thì ta cũng đành phải từ giã bớt thôi.
Buông xả bao giờ cũng đem lại sự nhẹ nhõm trong tâm hồn, nó là một nghệ thuật sống rất cao cấp nhưng không phải dễ làm. Bởi vì ta không dễ tin rằng nếu thiếu đi điều kiện tiện nghi ấy thì cuộc sống của ta vẫn đảm bảo an toàn hay chuyển biến tốt hơn, và ta cũng không dễ đón nhận cảm giác khó chịu khi thói quen hưởng thụ không còn được phục vụ như trước nữa. Nhưng nếu ta không thể chiến thắng với những ham muốn quá mức và có tính chất hủy hoại năng lượng chính mình trong thực tại, thì đừng hỏi tại sao ta không thiếu thốn thứ gì nhưng lại không thể sống bình an và hạnh phúc như bao người khác. Phải lượng sức mình, phải ý thức tình trạng tâm thức của mình để sắp đặt lại lối hưởng thụ sao cho thích hợp, trong đó buông xả là điều ta nên nghĩ tới và hãy can đảm thử qua.
Khôi phục phẩm chất đời sống
Xã hội ngày càng văn minh thì càng tạo ra nhiều tiện nghi để con người nâng cấp sự hưởng thụ. Ngày xưa con người không có những tiện nghi đó họ vẫn sống được, sống tốt và sống rất an toàn nữa là khác. Bây giờ con người biết quá nhiều thứ, tưởng chừng như có thể nắm cả thế giới trong bàn tay mình, nhưng đó chỉ là ảo tưởng vì ngay nơi chính bản thân còn không hiểu nổi thì làm sao có thể điều phục được đối tượng khác. Và càng giam mình vào những điều kiện tiện nghi ta càng trở nên biếng nhác, yếu đuối. Đến nỗi cần đi ngủ sớm hay đi bộ ngoài thiên nhiên cho tinh thần được dễ chịu hơn cũng trở thành một thử thách quá lớn, lớn hơn cả việc làm ra tiền hay làm đẹp lòng kẻ khác.
Nhiều khi biết mình rất mệt mỏi và đuối sức nhưng ta lại không đủ can đảm để tắt bớt ti vi, điện thoại, máy vi tính hay tạm gác kế hoạch dự án sang một bên. Rồi một hôm nào đó, trong một điều kiện bắt buộc, ta lái xe ra khỏi thành phố ồn náo và đầy bụi bặm để về với miền thôn quê yên ả thì ta mới chợt thấy mình như được sống lại. Thời gian qua ta đã sống với tư cách của một kẻ mộng du, cứ nhào tới phía trước để nắm bắt cái này cái nọ chứ không ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Cảm giác bỏ lại sau lưng những thứ nhọc nhằn phiền toái thật vô cùng dễ chịu, ta thấy mình thật tự do.
Buông xả đúng lúc không những giải cứu ta ra khỏi cơn khủng hoảng bế tắc, mà nó còn trả tâm hồn ta trở về với con người chân thật hồn nhiên năm xưa, chuyển tâm thức ta sang những cung bậc cao hơn, đưa cuộc đời ta sang một khúc quanh khác sáng đẹp hơn. Nếu ta là kẻ trải nghiệm nhiều năm trong cuộc đời, ta sẽ có khuynh hướng dành nhiều thời gian và năng lực để bồi dưỡng những giá trị bình an và hạnh phúc trong tâm hồn, chứ không còn hăng hái như những người trẻ luôn sẵn sàng lao theo những trận bão điên nông nổi để giành lấy những thứ hấp dẫn lực bên ngoài. Vì khi nằm trên giường bệnh hay đối mặt với tử thần, ta sẽ không nắm được gì cả ngoài tâm hồn bé nhỏ đáng thương của mình.
Mà đâu cần đợi đến giây phút ấy, khi ta muốn được yêu, khi ta muốn được thoát khỏi một tai nạn khốn đốn nào đó thì những thứ tiện nghi kia bỗng trở nên thừa thãi đến vô nghĩa và ta dễ dàng vất nó sang một bên. Ngay cả sự ngưỡng mộ, kính trọng, ngợi khen ta cũng không cần nữa. Lúc ấy ta đã khẳng khái tuyên bố những thứ ấy chỉ là những phương tiện tạm bợ thôi, một cõi lòng bình yên và tình thương chân thật mới là thứ quý giá và đáng gìn giữ nhất trên đời. Kinh nghiệm ấy đã giúp ta đã ý thức được hạnh phúc hay khổ đau đều tùy thuộc vào tâm ta. Nếu ta không tin vào tâm mình, cứ lang thang đi tìm những điều kiện bên ngoài thì với hạnh phúc, ta sẽ mãi là kẻ trắng tay.
Buông xả vừa đem tới năng lượng an lành cho chính thân tâm ta mà cho cả những người sống chung quanh ta nữa. Ta thử thực tập mỗi khi ngồi bên người thương mà ta buông xả những căng thẳng lo lắng để hết lòng chăm chú lắng nghe họ, hay thỉnh thoảng nhìn kỹ vào gương mặt họ bằng một cái nhìn trong sáng và cảm thông, thì cả ta và họ đều sẽ rất hạnh phúc. Ta có cho rằng cái hạnh phúc này tầm thường hơn cái hạnh phúc kiếm được nhiều tiền, tranh đoạt được địa vị hay chinh phục được kẻ khác không? Nếu không, tại sao ta không quyết lòng nuôi dưỡng nó? Có phải ta đang bị kéo vào mê lộ của sự tích góp, đến cả tài sản của kẻ khác, của cộng đồng mà ta vẫn muốn thâu tóm về phía mình.
Buông xả còn là thái độ sống hòa điệu với vũ trụ. Tại vì khi giới hạn lại sự tích góp mà ta có thể tồn tại vững vàng được, thì ta đã không còn thải vào vũ trụ những nguồn năng lượng độc hại của sự lo lắng, giận hờn, nghi ngờ, tranh chấp và thù hận nữa. Đó là chưa nói tất cả tài sản mà ta nắm giữ cũng thuộc về vũ trụ, nếu ta sử dụng nhiều mà thiếu trách nhiệm bù đắp thì trước sau gì vũ trụ cũng sẽ lấy lại hay trừng phạt ta bằng cách này hay cách khác. Nếu ta buông xả được những tiện nghi tinh thần như sự cung kính, ngưỡng mộ hay chìu chuộng của kẻ khác, ta có khả năng mở lòng ra chấp nhận hay tha thứ rất dễ dàng, là ta đã làm nhiều hơn trách nhiệm của một công dân trong vũ trụ rồi. Chắc chắn vũ trụ sẽ rất hài lòng về ta, luôn bảo hộ ta, và sẽ gửi tới cho ta những tặng phẩm bất ngờ.
Ta đừng so đo tại sao ta phải nhịn nhục còn người kia lại hưởng thụ quá nhiều thứ, nếu khôn ngoan ta hãy nên quan tâm thái độ sống nào sẽ mang lại khả năng bình an và hạnh phúc cao hơn. Những nhà tâm linh chuyên chính, họ chấp nhận buông xả mọi tiện nghi đáng được thừa hưởng của con người để đổi lấy một tâm hồn trong vắt và tràn đầy niềm an lạc thảnh thơi. Trạng thái hạnh phúc ấy khó có thể diễn đạt bằng ngôn từ, và ai cũng có thể làm được nếu ta có niềm tin lớn vào chính bản thân mình. Lẽ dĩ nhiên là họ cũng cần chút đỉnh tiện nghi bên ngoài, nhưng tất cả thời gian và năng lực của họ là để mài giũa cái hiểu biết sâu sắc bên trong. Một người có hiểu biết lớn là một người có tình thương lớn, còn gì tuyệt hảo cho bằng khi ta sống giữa cõi đời này mà có thể yêu thương tất cả.
Trình độ bất xả
Tuy ta không phải là người chuyên về tâm linh nhưng ta cũng nên học hỏi theo phần nào cách sống của những bậc tỉnh thức ấy. Khi ta ý thức được tâm hồn mình có khả năng rất lớn, có thể đưa ta tới những trạng thái hạnh phúc chân thật mà không bị điều kiện hóa, thì ta hãy làm một cuộc cách mạng buông xả những tiện nghi không quá cần thiết hay cả những thứ cần thiết mà nó đang kiềm hãm phẩm chất đời sống của mình. Đây cũng là cơ hội tốt để ta chia sớt đến những kẻ bất hạnh thiếu thốn còn đầy dẫy quanh ta, giúp ta thiết lập lại sự liên hệ vốn không thể tách rời giữa ta và mọi người, mọi loài.
Khi nội lực của ta trở nên vững vàng, không còn dễ dàng chạy theo những đối tượng bên ngoài, sống trong điều kiện nào cũng thấy an vui và chấp nhận, thì ta có thể đưa tâm thức mình sang một trình độ khác, đó là bất xả. Nghĩa là ta không cần buông xả bất cứ thứ tiện nghi nào cả, ta cứ giữ nó để tùy duyên mà làm nên lợi ích cho người cho đời. Nhưng ta cũng phải cẩn thận, hãy thường xuyên nhìn vào tâm mình để xem còn thái độ bám víu hay mong cầu nữa không. Nếu ta phát hiện hạt giống sợ hãi và tham lam năm xưa trở lại thì ta đành cố gắng tiếp tục thực tập buông xả một thời gian lâu bền hơn nữa. Điều này cần sự nhắc nhở và kiểm chứng thường trực của những người thân sống chung quanh ta.
Một khi tâm đã thật sự buông xả thì dù có xả hay bất xả những điều kiện bên ngoài hay không thì không còn quan trọng nữa. Kẻ ấy sẽ tự biết mình nên làm gì để vừa thăng hoa tâm hồn mình, vừa đem tới lợi ích an vui cho kẻ khác. Sống giữa những điều kiện hấp dẫn mà ta vẫn không bị ràng buộc thì đó mới là trạng thái thong dong tự tại chân thật. Ta hãy tìm lại cái tôi vững chãi năm xưa của mình, bằng cách thu gọn lại tất cả những gì làm cho nó biến dạng hay suy yếu, dù đó là thứ mà ta đang tâm đắc nhất. Cuộc đời sẽ trở nên mầu nhiệm biết bao nếu ta có khả năng buông bỏ những giận hờn, toan tính, cố chấp, thù hận… để lúc nào ta cũng có thể đến với nhau như một đóa hoa đến giữa địa đàng.
Bận lòng chi nắm bắt
Trăm năm nữa còn không
Xin về làm mây trắng
Nhẹ nhàng trôi thong dong.
Minh Niệm

Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

BMT Xuân 30 năm trước

Bài của Võ Phước đăng trên báo Đời sống & Pháp luật

Vào những ngày này, thời gian cứ mãi vang lên nhịp gõ thanh âm: Tết Canh Dần đến từng giây! Đất trời và con người, tổ tiên và con cháu, quá khứ và hiện tại giao hòa, mỗi năm diễn ra chỉ có một lần... Trước thời khắc này, dường như ai cũng bị không khí hối hả hiếm hoi này cuốn hút, nên tự nhủ với lòng: Hãy gắng lên! Vì luôn gắn kết hơi thở với cuộc sống, tất thảy đều đua với thời gian. Những chuyến xe chở đầy hàng hóa muôn ngã tuôn về nườm nượp. Những con đường, phố phường, cây cỏ hoa lá... đang khoác chiếc áo mới, chuẩn bị cho mình tư thế sang xuân.

Tôi nhớ lắm cái tết đầu tiên nếm vị buồn thương lần đầu tiên ăn tết xa quê. Cảm thông nhiều hơn cho những ai đã từng nếm trải. Dạo ấy đến xuân này ngót nghét 30 năm trôi qua. Thời ấy, những năm 1979, 1880... Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk chỉ nghe đến cái tên không thôi, ở đồng bằng nhiều người đã rùng mình, chắc lưỡi: Khiếp, rừng thiêng nước độc, sốt rét vàng da! Thế hệ của chúng tôi là lớp người từ miền xuôi lên Tây Nguyên nhận nhiệm sở. Hơn được nhiều nơi ở chỗ chiếc thẻ “giáo viên ưu tiên” cứ mỗi năm một lần, chúng tôi mang ra sử dụng cho việc mua vé tàu xe chuyến nghỉ hè, không phải sắp hàng “ăn chầu ở chực”. Ai bảo thế hệ của chúng tôi, những trí thức tình nguyện lên Tây Nguyên, mang văn minh, văn hóa thắp sáng vùng cao. Hoặc ai đó cho rằng chúng tôi ra đi nuôi trong lòng ý tưởng tìm vùng đất màu mỡ tiện thể mưu sinh. Cái thời buổi người ta nói kiểu nào cũng đúng: “Mười bốn cũng ừ, mười tư cũng gật”! Ngoài giờ công tác, hầu như anh em chúng tôi quay về chăm chút gốc bí, gốc bầu, vườn cây, thửa lúa... Lo lắng giải quyết chuyện đói chuyện no nhiều hơn là bàn chuyện họp hành.

Đêm giao thừa, khai bút đầu xuân anh em thường có những vần thơ mang dáng dấp chung đó là nỗi niềm riêng tây:

Vườn mơ hoa vài đốm
Tiễn em lệ đôi hàng
Đường trần tuôn bụi đỏ
Nghe xuân về lang thang

“Bụi mù trời”, “buồn muôn thuở”... cái tên một thời gây dấu ấn ghét hoặc thương đối với vùng đất Ban Mê thời ấy. Bây giờ mấy ai còn nhớ, nhắc lại để làm gì. Thế hệ sau này cũng không ít người biết đến. Do lớp bụi thời gian làm quên, do mai một tình yêu... chắc chắn nhiều hơn trước sự đổi thay. Chẳng để bụng làm gì, quan niệm sống, quan niệm về thẩm mỹ thời ấy hãy còn công thức, sơ lược, méo mó lắm. Có điều “thế thái nhân tình” thời nào cũng có nhưng không ra mặt thách đố như bây giờ. Ăn, mặc, đi lại phó mặc cho tiêu chuẩn, chế độ... “cá đối bằng đầu” ai cũng như ai. Cốt sao hằng ngày đảm bảo được hai vấn đề cốt yếu:“An chắc mặc bền”. Người ta không chú trọng đến trồng hoa làm đẹp nơi công sở, công cộng như bây giờ. Đường sá phố xá nhếch nhác, những vườn khoai, bắp, đậu ung dung chạy dài đến tận phố, mùa khô nổi gió, thốc mạnh khiến bụi mịt mù.

Những ngày xuân ở Buôn Ma Thuột, đường phố vắng hoe vì nơi phố xá hầu như đâu đâu cũng cửa hàng Hợp tác xã, cửa hàng Thương nghiệp, Quốc doanh... Độc quyền mua bán nên chỉ mở cửa hoạt động vào giờ hành chính, tối đến nhà nối nhà im lìm, không người qua lại, không đèn đóm. Thêm vào đó, các gia đình là hộ dân nếu không tham gia họp hành, sau một ngày cực nhọc trên nương rẫy, họ chỉ có mỗi việc tranh thủ ngủ lấy sức. Không bất kỳ một cá thể nào được đường chính chính mua bán. Lúa và các mặt hàng nông sản khác đều quản lý nghiêm ngặt. Các mặt hàng nhu yếu phẩm lại càng không có bán mà mua. Tết đến cán bộ công nhân viên được mua nếp, đậu xanh với một mức độ định lượng, vì lượng hàng được phân phối quá ư là ít ỏi, chật vật nên nhiều người nhường lại tiêu chuẩn này cho một người mua!

Anh em chúng tôi dựa vào nhau, lấy lối sống tập thể mà an ủi, bông đùa. Những “yên hùng” như Nguyễn Đức Kim Long, Phùng Văn Bê, Lê Bá Long, Võ Văn Hùng Anh... Sau những giờ làm việc, chúng tôi quây quần bên nhau, vài củ khoai, con mối rang lên củng đủ gây nên không khí chân tình. Long ôm đàn hát say sưa bài hát tự sáng tác: “Ai nói xứ này buồn muôn thuở/ Riêng tôi, tôi bảo “Bao Mến Thương”/ Sao thế? Có điều gì không rõ/ Hay vì em mà tôi vấn vương!...”

Buôn Ma Thuột bây giờ đã là thành phố, cuộc sống khác xưa. Nhà hàng, khách sạn sang trọng lộng lẫy sắc màu, nườm nượp người là người. Cứ đến “điểm hẹn”, lễ hội được bày ra, thu hút khách thập phương… Đường phố muôn loài hoa khoe sắc hương. Vườn hoa thực, đầy hoa không còn vườn trong mơ “hoa vài đốm”. Nhớ lại xuân cách nay đã 30 năm, lòng xốn xang bùi ngùi nhớ lại năm tháng cũ đã qua, những người bạn cùng thời đã vội vã bỏ anh em mà đi, để lại dăm ba câu thơ đau nhói tim gan: Đi trong phố hẹp âm thầm/ Chiều ba mươi tết hương trầm nhà ai... / Bây chừ con vẫn xứ người/ Nhớ ơn cha mẹ một đời vì con. Yêu quí những câu thơ thốt lên tự nhiên bên ly rượu đêm giao thừa, ôi sao mà giàu nhân tính... Ôn chuyện xưa để thấy nắng xuân đang xua đuổi đông tàn, ru lòng theo cốc rượu chúc xuân:

Tin xuân lóng ngóng hiên ngoài
Tàn đông cất gót muộn rồi về thôi
Ngày xuân mắc võng ngang trời
Nghe mây vô định ru lời vô ngôn

Thứ Năm, 4 tháng 2, 2010

Giáo dục giới tính ở Mỹ

Giáo dục giới tính ở Mỹ
Nguyễn Hải Hoành dịch
Nguồn: tạp chí Khoa học và Văn hóa số 5-2009
(Trung Quốc)
Sáu năm trước, một bà mẹ người Hoa đem đứa con trai vừa tròn 9 tuổi của mình đến nước Mỹ định cư tại New York. Đây là một thành phố đầy rẫy màu sắc tình ái nhục dục. Chưa cần nói phố 42 khu Manhattan có cả một khu phố đèn đỏ nổi tiếng bất hảo, mà riêng chuyện đứa trẻ ngày ngày đến trường phải đi qua một loạt cửa hiệu bán đồ chơi tình dục (sextoy) đã đủ làm cho bà mẹ ấy hết sức lo lắng. Trong hoàn cảnh như vậy, cháu bé 9 tuổi kia khi lớn lên trên đất Mỹ đã nhận được sự giáo dục giới tính ra sao? Hãy nghe chính bà mẹ kể lại.
Cấp tiểu học: nhận thức chính mình

Một hôm con trai tôi đi học về. Như thường lệ, tôi mở vòi nước vào đầy bồn tắm để chuẩn bị tắm cho cháu. Chẳng ngờ cháu lại nói: “Mẹ ơi, từ nay trở đi không cần mẹ tắm cho con nữa đâu!” “Sao thế?” – tôi cười hỏi lại. “Giáo viên môn sinh lý bảo, vì con là nam giới nên con không được tùy tiện để cho mẹ nhìn thấy cái penis của mình!” Trời ơi, thằng nhóc học được ở đâu thứ lý luận kỳ quặc như vậy nhỉ! Tôi vừa bực mình vừa buồn cười: “Vũ này, con còn bé, mẹ tắm cho con là chuyện rất bình thường thôi mà.” Nói đoạn tôi vừa vỗ về vừa định giúp cháu cởi quần lót. Ai ngờ cháu gạt tay tôi ra và hét to: “Mẹ đừng chạm vào người con, con cũng có cái riêng tư của mình chứ!”. Thấy thái độ cháu rất nghiêm chỉnh, tôi đành thôi, trong bụng thầm trách các thầy cô giáo ở trường cháu đã “bé xé ra to” cái chuyện vớ vẩn này.
Tối hôm ấy tôi lựa lời hỏi Vũ xem giáo viên môn sinh lý đã nói gì trên lớp. Câu trả lời của cháu làm tôi há hốc miệng kinh ngạc. Thì ra giáo viên đã cho học sinh cả lớp xem các tranh vẽ đàn ông đàn bà khỏa thân để chúng hiểu được sự khác biệt rõ rệt nhất về sinh lý giữa nam với nữ là ở bộ phận sinh dục. Thằng bé nhìn tôi đàng hoàng nói: “Thầy giáo nói rồi, penis của con trai và vulva của con gái đều thuộc vào những thứ riêng tư kín đáo của một người, không được để bất cứ ai nhìn thấy hoặc sờ vào, trừ thầy thuốc.” Khi nói câu ấy, vẻ mặt cháu tỉnh bơ hoàn toàn không ngượng nghịu chút nào. Điều khiến tôi không ngờ tới là chẳng những cháu đã biết các kiến thức sinh lý như sự trưởng thành phát dục của cơ thể, quá trình phụ nữ mang thai và sinh đẻ, mà thằng bé chưa đầy 10 tuổi này thậm chí còn chuyển đề tài, nói về sự quý giá của sinh mệnh và tính chất quan trọng của tình bạn nam nữ. Xem ra giáo dục vỡ lòng về giới tính người Mỹ dạy cho trẻ em còn lồng ghép cả nội dung giáo dục tính người: Biết quý trọng mạng sống và yêu quý người khác giới.

Cấp trung học cơ sở: trực diện và hướng dẫn

Một hôm cháu Vũ mang về một bản thông báo của nhà trường cho biết cuối tuần này ở trường có một buổi lên lớp về kiến thức giới và tình dục, nội dung gồm việc tránh thai và đề phòng bệnh đường sinh dục. Bản thông báo ghi rõ: Nếu phụ huynh không đồng ý cho con em mình dự buổi học này thì phải ký tên vào một giấy trả lời nhà trường, sau này nếu trẻ xảy ra các hiện tượng như phá thai, mắc bệnh AIDS... thì phụ huynh không được trách nhà trường chưa dạy các em biết việc đó. Cuối bản thông báo viết, nhà trường hoan nghênh phụ huynh tới bàng thính giờ dạy về giới tính và tình dục.
Do lâu nay đã muốn đến trường con mình học để “trinh sát” tình hình nên dĩ nhiên tôi không bỏ lỡ dịp này. Tôi đến trường, mang theo tâm trạng cho rằng giờ học kiến thức về sex chắc hẳn sẽ có không khí nghiêm trang và gò bó, ai ngờ thực tế lại không thế. Giờ học bắt đầu, cô giáo trẻ và xinh đẹp lấy phấn viết lên bảng chữ “SEX” to đùng. Sau đó cô mỉm cười nói với toàn thể học sinh: “Bây giờ cô hỏi các em nhé, khi nhìn thấy chữ SEX này các em nghĩ tới chuyện gì nào?”
Tôi thật chẳng ngờ giáo viên lại đi hỏi lũ con nít một vấn đề vớ vẩn như thế.
Một em trai tóc xoăn phát biểu đầu tiên: “Sex khiến em nghĩ đến chuyện di tinh ạ.” Lập tức trong lớp có tiếng cười rì rầm.
Một em gái hơi có vẻ ngượng ngập nhỏ nhẹ nói: “Sex khiến em nghĩ tới chuyện mang thai ạ.” Mấy bạn khác bụm miệng cười.
Một học sinh gốc châu Á tóc đen bất ngờ thốt lên một câu: “Thưa cô, sex khiến em nghĩ đến chuyện làm tình ạ!”
Lũ trẻ bỗng nhốn nháo, rì rầm xì xào, nhiều em gái đỏ mặt.
Lúc ấy một em trai da đen thân hình cường tráng nói với giọng ồm ồm: “Sex khiến em nghĩ tới người đàn bà không mặc quần áo gì cả ạ ...” Câu nói vừa dứt, các học sinh khác cười toáng lên, có mấy em ném bút và vở về phía bạn ấy. Lớp học như nổ tung, lũ trẻ cười ha hả khoái chí lắm.
Các em học sinh tiếp tục thoải mái phát biểu. Lũ trẻ có sức tưởng tượng thật là phong phú. Cô giáo liên tiếp viết lên bảng những từ: “Làm tình, dáng điệu, phá thai, hôn, gợi dục ...” Một số từ ngữ bình thường ngay cả người lớn cũng khó nói ra miệng, thế mà lũ trẻ lại nói thoải mái, hoàn toàn không thấy có ý nghĩa xấu hổ, tục tĩu.
Sau khi cả lớp yên tĩnh trở lại, cô giáo nhìn lên tấm bảng đen đầy chữ rồi chau mày nói: “Các em phát biểu nhiều thế mà vẫn còn sót mất một từ có vô vàn mối quan hệ chằng chịt với sex ...”
Lũ trẻ thì thầm rì rầm bàn tán với nhau, suy nghĩ, phỏng đoán. Lát sau, cô giáo lẳng lặng quay người, ấn mạnh viên phấn lên bảng, viết nắn nót từ “LOVE” !
Lớp học bỗng dưng im phăng phắc.
“Tình yêu!”, cô giáo nói với giọng chan chứa xúc cảm, “Tình yêu – đó là tình cảm thuần khiết thiêng liêng nhất, cao cả nhất giữa hai giới tính. Sex không có tình yêu thì chỉ là cái xác không hồn! Người ta có khi bàn tán om xòm về nhục cảm, khoái cảm nhưng lại bỏ quên mất một điều: Sex cần phải có tiền đề là Yêu. Trong đời sống, những hiện tượng như có thai ở tuổi vị thành niên, phá thai, mắc bệnh đường sinh dục ... thông thường là do các hành vi tình dục vô trách nhiệm gây ra ...”
Lời cô giáo nói tràn đầy sức truyền cảm. Lũ trẻ vừa nãy cười sặc sụa bây giờ đều trở nên nghiêm chỉnh, trang trọng.
Tiếp đó cô giáo nói cho các em học sinh biết, quan hệ tình dục không có gì là đê tiện hèn hạ, cũng chẳng có tính phạm tội; nó là mối quan hệ tự nhiên, đẹp đẽ; nhưng học sinh trung học nếu quá sớm bước vào đời sống tình dục thì sẽ không có lợi cho sức khỏe và việc học hành; để xảy ra mang thai ngoài ý muốn và phá thai là điều vô cùng đau khổ.
Sau cùng, cô giáo chiếu lên màn hình một đĩa CD giới thiệu các phương pháp tránh thai. Lũ trẻ đón xem với thái độ đặc biệt nghiêm chỉnh. Trông bộ dạng chăm chú của các em cứ tưởng chúng đang xem một đồ thị ba chiều trong toán học.
Sau giờ học, tôi gặp thầy giáo chủ nhiệm lớp con tôi để trao đổi ý kiến. Khi tôi hỏi cháu Vũ có chơi thân với bạn gái nào trong lớp hay không, thầy chủ nhiệm có chút ngạc nhiên: “Rất xin lỗi thưa bà, tôi chưa bao giờ hỏi học sinh những chuyện riêng tư của chúng. Con bà rất xuất sắc, nếu có em gái nào yêu nó thì cũng là chuyện rất bình thường thôi ạ.” Tôi vội giải thích là tôi lo ngại cháu yêu đương quá sớm sẽ ảnh hưởng tới việc học tập. Thầy chủ nhiệm nói liền mấy câu “No” “No”... rồi hùng hồn giảng giải: “Tình yêu sẽ làm trẻ em trở nên thông minh hơn, tự tin hơn. Trách nhiệm của phụ huynh học sinh chỉ là ở chỗ hướng dẫn cho con mình khi say sưa yêu đương phải biết cách tránh thai!”

Cấp trung học phổ thông: thông cảm và tin nhau

Chẳng bao lâu cháu Vũ nhà tôi đã lên lớp 9. Khi thấy cháu bắt đầu mọc ria mép, tôi vừa mừng vừa lo. Mừng ở chỗ đặc trưng thứ hai về giới tính của cháu phát triển lành mạnh, mới tròn 15 tuổi cháu đã cao 1,7 mét. Lo ở chỗ văn hóa tình dục của xã hội phương Tây có tác dụng chất xúc tác đối với lũ trẻ đang ở tuổi dậy thì– nghe nói ở Mỹ hằng năm có hơn 1 triệu em gái mang thai; hiện tượng quan hệ tình dục trước hôn nhân trong nam nữ thiếu niên đã trở thành vấn nạn của xã hội.
Đúng vào lúc tôi đang lo lắng về việc liệu cháu Vũ nhà tôi có thể bình yên vượt qua thời kỳ rạo rực của tuổi thanh xuân hay không thì bỗng nhiên có tin: Theo đề án của Sở Giáo dục thành phố New York, các trường trung học công sẽ phát miễn phí bao cao su cho học sinh trung học phổ thông!
Nhiều phụ huynh người gốc Hoa rất bất mãn với đề án này. Theo tôi nghĩ, cách làm ấy chẳng khác gì sự ngầm ra hiệu hoặc dung túng cho lũ trẻ ăn vụng trái cấm.
Tôi cuống cuồng đến ngay nơi con mình học, yêu cầu nhà trường đưa ra lời giải thích biện pháp bậy bạ cung cấp bao cao su cho trẻ em.
Một giáo viên tư vấn tâm lý phụ trách công tác học sinh tiếp tôi. Xem ra bà giáo này rất hiểu nền văn hóa truyền thống của Trung Quốc, nói năng có tình có lý đâu ra đấy: “Tôi đã tiếp xúc với rất nhiều phụ huynh học sinh người gốc Hoa, nói chung họ cai quản dạy bảo con cái quá nghiêm ngặt. Việc họ khăng khăng cấm đoán tình dục là không khôn ngoan và nguy hiểm.”
Hình như phát hiện thấy tôi có chút ngạc nhiên nên bà giáo tiếp tục giải thích: “Sau khi bước sang thời kỳ dậy thì, lượng hooc-môn trong cơ thể lũ trẻ tiết ra tăng mạnh, chức năng tình dục phát triển nhanh, cộng thêm vô số tác dụng kích thích tình dục từ bên ngoài, chúng sẽ càng mạnh mẽ yêu cầu giải tỏa được hưng phấn tình dục và căng thẳng tình dục của mình; nhưng lũ trẻ lại không có điều kiện sống như người lớn, do đó nhu cầu tình dục của chúng bị ức chế, vì thế sinh ra tâm lý lo lắng bồn chồn của thời kỳ dậy thì. Xin hỏi, ai có thể bảo đảm con cái mình sẽ không vì một phút rung động nhất thời mà có hành động mất kiềm chế?”
Ngừng một lát, bà nói tiếp: “Chẳng phải người Trung Quốc các vị có câu thành ngữ phòng bệnh hơn chữa bệnh đó sao? Nhà trường cung cấp bao cao su cho các em học sinh chính là nhằm ngăn chặn hậu họa đấy, thưa bà. Bản thân bao cao su không thể làm tăng hoạt động tình dục của học sinh song lại có thể giảm bớt một cách hữu hiệu hiện tượng các em gái mang thai và sự lây lan các bệnh tình dục. Xin bà thử nói xem, chả lẽ như thế lại không tốt hay sao?”
Cuộc trao đổi ý kiến với giáo viên tư vấn tâm lý khiến tôi xúc động hồi lâu, tôi không thể không thừa nhận việc nhà trường cung cấp bao cao su thoạt xem có vẻ bậy bạ song thực ra lại tràn đầy tính người, thể hiện sự quan tâm, yêu thương của xã hội đối với lớp con trẻ.
Ít lâu sau, một lần vào ngày nghỉ cuối tuần, tôi và cháu Vũ cùng xem truyền hình. Bỗng dưng trên màn hình xuất hiện pha đặc tả cảnh hôn hít và ân ái khá lâu. Tôi bất giác chột dạ định chuyển sang kênh khác nhưng lúc ấy bộ điều khiển từ xa lại đang ở trong tay cháu. Trước cảnh hoan lạc kéo dài của đôi trai gái, tôi phát ngốt lên, đứng ngồi không yên. Liếc sang con trai thì thấy ngược lại cháu vẫn ngồi ngay ngắn, mắt không rời khỏi màn hình, chẳng hề có chút lúng túng nào sất. Nhìn bộ dạng cháu khoái chí chăm chú dán mắt vào chiếc ti-vi, tôi nghĩ bụng: “Thằng nhóc này quá chín muồi rồi đấy, xem những cảnh tình ái hot thế mà vẫn cứ điềm nhiên như không.”
“Mẹ ơi, mẹ đừng nhìn con bằng ánh mắt như thế được không? Con trai mẹ chẳng có ý nghĩ gì bậy bạ đâu ạ!” – bất ngờ thằng nhóc chọc tôi một câu.
Thấy con chủ động gợi chuyện, tôi vội nắm lấy cơ hội: “Vũ này, mẹ hỏi con nhé, con đã có bạn gái chưa đấy?” Cháu thản nhiên đáp: “Có chứ ạ, quan hệ giữa con và cô ấy còn trên cả mức bình thường nữa kia!”
Trống ngực tôi bất giác đập thình thịch. Thấy bộ dạng căng thẳng hồi hộp của tôi, nó đắc ý liếc tôi một cái rồi nói với giọng bông đùa: “Xin mẹ chớ có căng thẳng thế, con trêu mẹ tí thôi mà!” Nói đoạn cháu đứng dậy tắt cái ti-vi rồi bất ngờ hỏi: “Mẹ ơi, mẹ xem con có sức hấp dẫn của một trang nam nhi không nào?”
Nhìn con mình đẹp trai ngời ngời, tôi cố ý chỉ cười không nói gì. Bỗng dưng cháu thốt ra một câu làm tôi vô cùng sững sờ: “Con chờ bao giờ lên đại học xong xuôi thì sẽ kiếm một cô bạn thông minh gợi cảm làm người yêu của mình. Chắc chắn cô gái ấy sẽ xuất hiện trong đời con. Vì cô ấy, bây giờ con dốc sức lao vào việc học tập, không bận tâm gì đến chuyện yêu đương. Xin bảo đảm với mẹ sau đây hai năm nữa con nhất định sẽ thi đỗ vào một trường đại học hàng đầu của nước Mỹ!”
Bất giác tôi trợn tròn mắt, thì ra con trai mình đã chín chắn hơn mình tưởng tượng rất nhiều. Trong bối cảnh nền văn hóa sex của nước Mỹ, trải qua bài học vỡ lòng về giới tính và sự giáo dục giới tính ở tuổi dậy thì, con trai tôi bây giờ đã đủ khả năng có thái độ thản nhiên như không đối với vấn đề tình dục. Sex trong lòng con tôi là một điều tự nhiên và tươi đẹp, không có chút gì thần bí và xấu hổ. Trong xã hội phương Tây đầy rẫy những quyến rũ tình ái nhục dục, con trai tôi lĩnh hội vấn đề sex bằng một trái tim bình thường, dùng ý thức giới tính lành mạnh chín muồi để kiềm chế được mọi nỗi rạo rực sinh lý ở tuổi dậy thì.