Thứ Ba, 29 tháng 8, 2017

Miền Nam giai đoạn 1955-1960

Miền Nam giai đoạn 1955-60



SaigonBản quyền hình ảnhSAIGON

Từ cao nguyên Tây Tạng, con sông Cửu Long cuồn cuộn chảy như thác lũ xuống phía nam qua tỉnh Vân Nam, tới Lào, Thái Lan, Kampuchia, rồi Việt Nam trước khi ra Biển Đông.
May cho Miền Nam là có hồ lớn Tonle Sap ở Campuchia hút đi một phần lớn lượng nước từ thượng nguồn cho nên từ đây dòng sông lại uốn khúc hiền hòa chảy vào Miền Nam.
Tới gần biên giới thì con sông chia ra làm 8 nhánh. Nhưng con số 9 được coi là may mắn cho nên phải tìm ra cho được một nhánh nữa, tuy là rất nhỏ (dài khoảng 10 dậm) để cộng lại thành ra 9 nhánh, gọi là Cửu Long Giang.
Dòng sông Chín Con Rồng uốn mình tưới nước cho vùng đồng bằng Nam Bộ mầu mỡ, phì nhiêu trở thành vựa lúa của cả nước. Người nông dân nơi đây chỉ cần trồng mỗi năm một vụ là cũng đủ ăn, lại còn dư thừa để tiếp tế ra Miền Bắc và xuất cảng.

Khởi đầu gian khó

Nhưng trong mười năm chiến tranh loạn lạc, trên một phần ba đất trồng trọt đã bị bỏ hoang, nhường chỗ cho những bụi rậm và cỏ dại lan tràn.
Một phần lớn hệ thống kênh rạch cũng bị khô cạn hay sình lầy. Hệ thống bơm nước, thoát nước cũng bị hư hại. Bởi vậy, sản xuất thóc gạo của Miền Nam trong mười năm trước 1955 đã bị giảm đi đáng kể.
Ngoài ra, các phương tiện giao thông như đường bộ, đường sắt, cầu cống và các cơ sở công kỹ nghệ như đường trắng, rượu bia, sợi bông cũng đều bị hư hại.
Cho nên vào năm 1955, khi "Một Quốc Gia Vừa Ra Đời" như báo chí Mỹ tuyên dương thì quốc gia ấy đã phải đối diện với bao nhiêu khó khăn khôn lường.

SaigonBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Ngân sách của Pháp để lại thì thật eo hẹp, kỹ sư, chuyên viên trong mọi lãnh vực đều hết sức hiếm hoi vì Pháp đã rút đi hầu hết, để lại một lỗ hổng lớn cho cả nển kinh tế lẫn hành chánh, giáo dục, y tế.
May mắn là trong năm năm đầu, từ mùa Thu 1955 tới mùa Thu 1960, Miền Nam có được năm năm vàng son, vừa có hòa bình lại được đồng minh Hoa kỳ hết lòng yểm trợ vật chất và kỹ thuật cho nên đã thu lượm được nhiều kết quả có thể nói là vượt bực.
Hồi tưởng lại thời gian ấy, nhiều độc giả chắc còn nhớ lại cái cảnh thanh bình khi các em học sinh mặc áo chemise trắng, quần xanh, các nữ sinh với những chiếc áo dài trắng tha thướt ngày ngày cắp sách đến trường.
Cha mẹ, anh em thì lo công việc làm ăn. Giầu có thì chưa thấy nhưng hầu hết đã đủ ăn đủ mặc, xã hội trật tự, kỷ cương. Tuy dù có nhiều bất mãn khó tránh về chính trị, tôn giáo và xã hội, nhưng tương đối thì ta phải công nhận rằng đây là thời gian hào quang nhất của Cộng Hòa Việt Nam.

Định cư gần một triệu người di cư từ Miền Bắc

Công việc đầu tiên và khẩn cấp nhất là phải định cư tới gần một triệu người, tương đương bằng 7% dân số Miền Bắc di cư vào Nam.
Đoàn người này hoàn toàn 'tay trắng' - chúng tôi gọi là đoàn người 'bốn không': không nhà cửa, đất đai, tiền bạc, ngành nghề chuyên môn ngoài nghề nông.
Làm sao tìm được nơi ăn, chỗ ở, tạo dựng lại được công ăn việc làm, đào giếng nước, xây nhà thương, bệnh xá, trường học cho con em để đáp ứng nhu cầu? Ngoài việc hành chính, lại còn tìm đâu ra bác sĩ, y tá, thầy dạy cho con em?

SaigonBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Sau này khi nói về thành công của Tổng thống Diệm về việc này, TT Kennedy viết cho ông nhân ngày Quốc Khánh 26/10/1961:
"Thưa Tổng thống,
Thành tích mà Ngài đã đạt được để đem lại niềm hy vọng mới, nơi cư trú và sự an ninh cho gần một triệu người ... từ Miền Bắc đã nổi bật như một trong những nỗ lực đáng được tán dương nhất, và được điều hành tốt đẹp nhất trong thời hiện đại."

Tái thiết và phát triển nông nghiệp

Ưu tiên của công việc tái thiết và phát triển phải là nông nghiệp vì đại đa số nhân dân làm nghề nông. Đồng bằng Cửu Long là vựa lúa của cả nước, nhưng sản xuất đã giảm đi đáng kể trong mười năm ly loạn.
Thời tiền chiến sản xuất lên tới 4,2 triệu tấn (1939). Tới 1954 chỉ còn 2,5 triệu tấn. Cũng năm 1939 xuất cảng gạo là gần 2 triệu tấn, năm 1954 chỉ còn 520.000 tấn.
Tại vùng đồng bằng, trong tổng số là 7 triệu hecta đất trồng trọt có tới 2,5 triệu hecta (trên một phần ba) bị bỏ hoang. Lúa gạo là mạch máu của người dân cho nên công việc đầu tiên là phải đưa diện tích này vào canh tác.
Đây là một cố gắng vượt mức vì không những nó đòi hỏi phải tốn phí nhiều tiền bạc, công sức, để sửa chữa lại hệ thống thủy lợi, vét nạo kênh rạch, lại còn làm sao xây dựng được quyền sở hữu đất đai và phương tiện sản xuất cho người nông dân.

SaigonBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Cải cách điền địa: Khó khăn và giải pháp thành công

Người khôn của khó. Lo lắng chính của người dân là làm sao có được một mảnh đất để sinh sống. Nếu như mảnh đất ấy lại nằm gần sông nước thì là vàng.
'Đất Nước tôi': đất và nước. Chỉ có Việt Nam ta là dùng hai chữ đất và nước để chỉ quê hương, tổ quốc mình vì tấc đất là tấc vàng.
Các biện pháp cải cách ruộng đất bắt đầu vào năm 1955 với lệnh giới hạn địa tô (tiền thuê đất) và những biện pháp giúp cho tá điền (người nông dân thuê đất) có được sự yên tâm về quyền sử dụng đất.
Cải cách điền địa là công việc rất khó khăn của các chính phủ Á Châu, nhưng ở Miền Nam là khó khăn nhất.
Làm sao mà lấy ruộng của người này chuyển cho người khác, nhất là khi đất canh tác lại tập trung vào một số rất nhỏ đại điền chủ? Họ là những người nắm thực quyền tại địa phương và gián tiếp, tại đô thị. Ở đồng bằng sông Cửu Long, sự tập trung quyền sở hữu đất vào một số điền chủ là cao nhất ở vùng Đông Nam Á: chỉ có 2,5% điền chủ mà đã sở hữu tới một nửa diện tích canh tác, trung bình mỗi điền chủ có hơn 50 mẫu đất.
Trước tình huống ấy, TT Diệm đã phải đối mặt với một khủng hoảng xã hội rất có thể xẩy ra nếu như phát động mạnh chương trình cải cách điền địa. Nhưng TT Diệm vẫn đặt vấn đề này là ưu tiên số một của chính sách kinh tế, bắt đầu ngay từ 1955 bằng việc cải tổ quy chế tá điền.
Để hỗ trợ cho nông dân được yên tâm khi đi làm thuê, điền chủ phải ký hợp đồng với tá điền về điều kiện thuê đất: tiền thuê đất, thời hạn thuê, triển hạn khế ước, giảm tô trong trường hợp mất mùa.
Kết quả về nông nghiệp trong 5 năm rất khả quan: sản xuất cây lương thực tăng 32%, vượt qua tất cả mức sản xuất thời tiền chiến. Năm 1959, sản xuất gạo lên 5,3 triệu tấn, cao nhất trong lịch sử kinh tế Miền Nam cho tới thời điểm đó. Về xuất cảng: với tổng số là 340.000 tấn, năm 1960 cũng đánh dấu mức xuất cảng cao nhất.

Phát triển công kỹ nghệ và quy chế 'Quốc tịch Việt'

Dưới thời Pháp thuộc, kỹ nghệ và tài nguyên hầu như không được phát triển vì người Pháp chia ra hai vùng rõ rệt: Miền Bắc tập trung vào kỹ nghệ và khai thác hầm mỏ, Miền Nam thì căn bản là tập trung vào nông nghiệp, chỉ có một số sản phẩm tiêu thụ như nhà máy bia, diêm quẹt, thuốc lá, độc quyền thuốc phiện.
Bởi vậy từ 1955, Miền Nam bị cắt đứt tiếp liệu về than và khoáng sản. Chuyên viên kỹ thuật, kỹ sư lại thật ít ỏi vì Pháp đã rút đi hầu hết.
Từng bước, chính phủ bắt đầu khai thác tài nguyên với ba dự án chính: mỏ than Nông Sơn, thủy điện Đa Nhim, và phốt phát tại Hoàng Sa - Trường Sa. Lúc ấy thì chưa biết là có dự trữ dầu lửa lớn ở những quần đảo này.


Một chuyện ít người biết là việc đổi quốc tịch.
Nhiều người lên án hành động của TT Diệm là độc tài khi ông đưa ra quy định vào hè 1955 căn bản là nhắm vào các thương gia người Tầu (đa số sinh sống ở Chợ Lớn): nếu muốn làm ăn ở Việt Nam thì phải đổi ra quốc tịch Việt Nam.
Chúng tôi nghiên cứu thì mới hiểu lý do sâu xa là vì thời gian ấy, cơ sở kỹ nghệ ở Miền Nam căn bản là thuộc quyền sở hữu của người Pháp, cho nên khi TT Diệm quyết tâm đẩy Pháp ra khỏi Miền Nam thì ông tiên liệu trước và mở đường để người Tầu nhập quốc tịch Việt Nam với mục đích là để cho họ (vì có nhiều vốn liếng) sẽ có thể mua lại những cơ sở kỹ nghệ của người Pháp.
Một kích thích nổi bật khác về kinh tế là chính sách cởi mở, ưu đãi đối với các nhà đầu tư ngoại quốc: bảo đảm về chiến tranh, cam kết không tịch thu hay quốc hữu hóa tài sản của người ngoại quốc, ưu đãi về thuế má và cho phép chuyển tiền lời ra ngoại quốc.

Hạ tầng cơ sở

Tái thiết mạng lưới giao thông đã bị hư hại trong thời chiến và xây dựng thêm nữa là đòi hỏi tiên quyết cho việc phát triển kinh tế và xã hội.
Tới năm 1960, hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy và các tuyến hàng không đã được cải thiện canh tân và mở rộng đáng kể. Hệ thống vận chuyển hiện đại bao gồm đường sắt, một mạng lưới các đường quốc lộ, liên tỉnh lộ, hương lộ, đường thủy và đường hàng không.
Đường bộ: trong khoảng 9.000 dặm đường, có hơn 2.000 dặm là bê tông nhựa; 3.000 dặm đường có cán đá, và khoảng 4.000 dặm là đường hương lộ.
Đường sắt: năm 1955 giao thông đường sắt cũng được sửa chữa và canh tân. Tới 1959 toàn hệ thống bao gồm 870 dặm, gồm một tuyến đường chính chạy từ Sàigòn đến Đông Hà, nối kết toàn bộ các tỉnh dọc miền duyên hải (nhiều khúc bị cắt đứt trong 12 năm chiến tranh).
Một chi nhánh đường sắt (có móc để leo đồi) đi từ Phan Rang lên Đà Lạt, và một chặng nối với mỏ than Nông Sơn. Một khúc ngắn về phía đông bắc, đi từ Sàigòn tới Lộc Ninh.
Hàng không: hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam - Air Vietnam - được thành lập lúc đầu để bay trong nước. Ngoài phi trường Tân Sơn Nhất, các phi trường được sửa chữa lại và xây dựng thêm gồm Huế, Đà Nẵng, Nha trang, Qui Nhơn, Biên Hòa, Đà Lạt, Ban mê Thuột, Pleiku, Hải Ninh, Cần Thơ, Phú quốc.
Từ nội địa, Air Vietnam bắt đầu bay tới Phnom Penh, Siem Reap, Bangkok, Vientianne và Savannakhet. Đường quốc tế phần lớn được đảm nhiệm bởi các hãng Air France, Pan American, World Airways, British Airways, Royal Dutch, Cathay Pacific và Thai Airways.

Ngân hàng và tiền tệ

Thiết lập được một ngân hàng trung ương và một hệ thống ngân hàng thương mại để thay thế cho Banque de L'Indochine và các ngân hàng thương mại Pháp ở Sài Gòn là một thành quả lớn của thời đệ Nhất Cộng Hòa.
Ngay từ tháng 1/1955, Ngân Hàng Quốc Gia Việt Nam được thành lập để phát hành đồng tiền Việt Nam và thực hiện các nghiệp vụ của một ngân hàng trung ương tân tiến.

Giáo dục và đào tạo


SaigonBản quyền hình ảnhGETTY IMAGES

Xét đến cùng, con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất trong việc phát triển kinh tế lâu dài. Trong thời kỳ 1955-1960, Miền Nam đã phát triển giáo dục rất nhanh.
Tiểu học: 1960, đã có tới 4.266 trường tiểu học công và 325 trường tiểu học tư thục. Tổng số học trò lên tới gần 1.200.000.
Trung học: các trường trung học công lập tăng từ 29 lên 101 trường. Nguyên trường Gia Long: số học sinh đã tăng từ 1.200 lên tới 5.000.
Đại học: trước năm 1954, Miền Nam không có đại học. Muốn học cử nhân phải ra Hà Nội. Năm 1955, chính thức thành lập đại học Sài Gòn, rồi tới Đại học Huế, Đà Lạt. Tới năm 1962 tổng số sinh viên lên tới 12.000.
Xem như vậy, thành quả của "Năm Năm Vàng Son 1955-1960" là thời gian quý hóa nhất của lịch sử Cộng Hòa Việt Nam.
Ngày Quốc Khánh 26/10/1960 Tổng thống Eisenhower viết cho TT Diệm:
"Kính thưa Tổng Thống,
Trong năm năm ngắn ngủi kể từ khi thành lập nước Cộng hòa, nhân dân Miền Nam đã phát triển đất nước của mình trong hầu hết các lĩnh vực. Tôi đặc biệt ấn tượng bởi một thí dụ. Tôi được thông báo rằng năm ngoái hơn 1.200.000 trẻ em Việt Nam đã có thể đi học trường tiểu học, như vậy là nhiều hơn gấp ba lần so với năm năm trước đó. Điều này chắc chắn là một yếu tố hết sức thuận lợi cho tương lai của Việt Nam. Đồng thời khả năng của Việt Nam để tự bảo vệ ... đã lớn mạnh một cách không thể đo lường được kể từ khi họ tranh đấu hữu hiệu để trở thành một nước Cộng Hòa độc lập."
Hòa bình là một điều kiện tiên quyết cho xây dựng và phát triển.
Nhân dân Miền Nam đã có được năm năm vàng son để làm ăn, sinh sống trong hoàn cảnh tương đối là thanh bình. Tuy còn nghèo nhưng mỗi ngày lại thêm một bước tiến.

SaigonBản quyền hình ảnhFORUM TRUNG TAM ASIA

Bao nhiêu độc giả cao niên còn nhớ lại những kỷ niệm êm đềm về thời gian ấy. Thí dụ bạn có thể đi bất cứ nơi nào một cách tự do từ Cà Mau ra tới tận Đông Hà. Mờ sáng lên xe buýt ra Vũng Tầu tắm biển hay buổi chiều đến ga xe lửa gần chợ Bến Thành mua vé đi Đà Lạt.
Chỉ trong chốc lát, con tầu bắt đầu phun khói, còi tầu rít lên trước khi khởi hành. Khi mặt trời hé rạng thì tầu chạy ngang bờ biển cát trắng Phan Rang, rẽ trái rồi ỳ ạch leo tuyến đường sắt có móc để trèo dốc lên Đà Lạt. Cái thú vui khi rời ga Đà Lạt (đẹp nhất Đông Nam Á) để mau tới "Café Tùng" hay "Phở Bằng" thưởng thức một ly cà phê sữa nóng thì khó có thể diễn tả được.
Với sự thông minh, cần cù của người dân Việt thì chỉ cần có hòa bình là tiến bộ trông thấy. Người dân lam lũ vất vả nhưng luôn vui với cuộc sống. Người nông phu không quản ngại thức khuya, dậy sớm để cầy sâu cuốc bẫm, chờ đợi cho tới ngày lúa vàng.
Tâm tư ấy luôn được phản ảnh trong thơ văn, âm nhạc Miền Nam trong thời gian này. Và khi thanh bình, con người lại đối xử với nhau cho hài hòa thì mọi việc - dù là tát cạn cả Biển Đông - cũng đều có thể ước mơ.
Tuy các kết quả phát triển kinh tế xã hội thời đó thật là nhỏ nhoi theo tiêu chuẩn ngày nay, nhưng là rất đáng kể so với các nước láng giềng lúc ấy như ngay cả Nam Hàn dưới thời Tổng thống Lý Thừa Vãn.
Miền Nam thực sự đã đặt được những viên gạch đầu tiên trong các năm 1955-1960 cho mô hình phát triển sau này của Nam Hàn dưới thời Tổng thống Phác Chính Hy. Xây dựng và phát triển trong hòa bình đã đưa Miền Nam tới chỗ vươn lên - kinh tế học gọi là điểm cất cánh (take-offĐ để trở thành một cường quốc tại Đông Nam Á.
Buổi bình minh của Nền Cộng Hòa ("The First Day") thật là huy hoàng rực rỡ. Nhiều quan sát viên ngoại quốc cho rằng đây chính là "một cuộc cách mạng đã bị mất đi" (the lost revolution) của Miền Nam Việt Nam.
Bài viết của Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Tiến Hưng, trích dẫn từ cuốn sách 'Khi Đồng Minh Nhảy Vào' mới xuất bản tại Hoa Kỳ. Sinh năm 1935 ở Thanh Hóa, tác giả từng giữ chức Tổng trưởng Kế hoạch của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa kiêm cố vấn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trước 1975 ở Sài Gòn. Hiện ông định cư tại Hoa Kỳ. Ông là tác giả cuốn Khi Đồng minh Tháo chạy và là đồng tác giả cuốn The Palace Files- Hồ sơ Dinh Độc Lập, viết cùng Jerrold L. Schecter bằng tiếng Anh.

Thứ Năm, 9 tháng 3, 2017

Cảnh giới trí tuệ

Trích từ trang TRITHUC.VN
Theo tính toán của Giáo sư tâm lý học nổi tiếng Abrham Maslow (Hoa Kỳ), trên thế giới chỉ có khoảng 1% số người cuối cùng có thể đạt đến “cảnh giới trí tuệ”: không bị ràng buộc, sáng suốt, biết số trời, biết lắng nghe, làm theo ý mình nhưng không vượt quá giới hạn.
Giáo sư Maslow đã miêu tả rõ ràng hơn bức tranh về “những người trưởng thành” sau khi nghiên cứu rất nhiều tính cách đặc biệt của các vĩ nhân nói chung trong lịch sử. Những người này có 16 điểm đặc biệt sau đây:
1. Khả năng phán đoán của họ tốt hơn người bình thường, quan sát sự việc rất thấu đáo, chỉ dựa vào một số việc đang xảy ra sẽ có thể dự đoán chính xác được diễn biến ra sao trong tương lai.
2. Họ có thể chấp nhận bản thân, người khác, cũng có thể chấp nhận được mọi hoàn cảnh. Dù trong hoàn cảnh thuận lợi hay khó khăn, họ đều có thể bình tĩnh như không có gì xảy ra, xem mọi chuyện dễ dàng. Dù rằng họ không gặp được hoàn cảnh mà mình thích, nhưng họ sẽ chấp nhận hiện thực không hoàn mỹ này (sẽ không oán trách vì sao chỉ có nửa ly nước), sau đó họ sẽ chịu trách nhiệm cải thiện tình hình.
3. Họ rất đơn giản, tự nhiên và chân thật. Họ không có nhu cầu mạnh mẽ đối với danh lợi, vì thế mà sẽ không giả tạo, lấy lòng người khác. Có câu: “Những người vĩ đại là những người mãi mãi đơn thuần”, trong những khối óc vĩ đại tràn đầy trí tuệ, nhưng thường vẫn giữ một trái tim đơn thuần, thiện lương.
4. Họ có cảm giác trách nhiệm đối với cuộc sống, vì thế thường cố gắng giải quyết các vấn đề có liên quan đến mọi người xung quanh. Họ cũng không tự xem mình là trung tâm, cũng sẽ không chỉ quan tâm đến bản thân.
5. Họ thích cuộc sống một mình, cũng có thể vui vẻ với mọi người xung quanh. Họ thích có thời gian ở một mình để nhìn lại bản thân, bổ sung thiếu sót của chính mình.
6. Họ không cần dựa vào người khác để có cảm giác an toàn. Họ giống như một chiếc ly đầy ắp hạnh phúc, tràn đầy niềm vui, họ thường thích chia sẻ với người khác mà không cần nhận lại.
7. Họ biết cách hưởng thụ những điều đơn giản, có thể nhìn thấy cả thiên đường từ một hạt cát, họ giống như một đứa trẻ ngây thơ tò mò, có thể không ngừng tìm được niềm vui mới từ trong những kinh nghiệm sống bình thường nhất, nhìn thấy được cái đẹp trong cuộc sống từ những thứ bình dị.
8. Có rất nhiều người trong số họ đã từng trải qua kinh nghiệm tôn giáo “người và trời hợp nhất”.
9. Tuy nhìn thấy rất nhiều sự xấu xa yếu kém của con người, nhưng họ vẫn luôn giữ được lòng trắc ẩn, tình yêu dành cho vạn vật, có thể nhìn thấy sự tốt đẹp của người khác bên trong những điều tồi tệ.
10. Có thể họ không có nhiều bạn, nhưng những mối quan hệ của họ lại thân thiết hơn người bình thường. Có thể họ có rất nhiều mối quan hệ xa xôi, không hề gặp mặt, nhưng lại luôn thấu hiểu lẫn nhau.
11. Họ khá dân chủ, biết cách tôn trọng, yêu quý và đối xử bình đẳng với những người không cùng giai cấp, không cùng dân tộc, xuất thân khác nhau.
12. Họ có một trí tuệ biết phân biệt đúng sai, sẽ không phán đoán bằng hai cách phân tích tuyệt đối (“không phải tốt thì là xấu” hoặc “người da đen thì đều lười biếng”) như người bình thường.
13. Những lời họ nói đều có triết lý, và cũng thường là hài hước mà không thô thiển.
14. Suy nghĩ của họ đơn thuần giống như một đứa bé ngây thơ, có tính sáng tạo rất cao. Họ dễ dàng biểu lộ cảm xúc, sẽ hát khi vui, khóc khi buồn, không giống với những người có cảm xúc phức tạp, thích “mánh khóe”, “che giấu”, “không để lộ vui buồn”.
15. Cách ăn mặc, thói quen sinh hoạt, thái độ đối nhân xử thế của họ thoạt nhìn thì có vẻ khá truyền thống và bảo thủ, nhưng họ lại rất thoải mái, khi cần thiết có thể vượt qua sự ràng buộc của văn hóa và truyền thống.
16. Họ cũng sẽ phạm những lỗi ngây ngô. Khi họ cống hiến hết mình cho công việc, cho sự chân thực hay điều lương thiện, họ sẽ không để ý đến những việc vặt vãnh khác. Ví dụ như Edison từng quá mức tập trung nghiên cứu mà quên mất mình đã ăn cơm hay chưa, bạn ông nói đùa rằng ông đã ăn rồi thì ông cũng tin là thật, vỗ vỗ bụng rồi vui vẻ quay lại phòng thí nghiệm tiếp tục làm việc.
Thanh Tâm

Thứ Tư, 21 tháng 12, 2016

Ký ức tuổi xanh

Dạo ấy quê tôi bắt đầu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, nên việc học hành bữa được, bữa mất không ổn định. Do đó Ba Mạ tôi quyết định cho tôi rời quê để trọ học ở thành phố. May mắn là lúc đó anh Cả tôi đang làm việc ở Đà Nẵng nên tôi được vào ở với anh để đi học. Đang học dở dang lớp Nhất trường làng tôi chuyển vào học trường Tiểu học Tin Lành ở đường Thống Nhất (gần Cầu Vồng), bây giờ là đường Lê Duẫn; Trường do Phó Mục Sư Lê Cao Quý làm Hiệu trưởng, tôi học lớp Nhất do Thầy Nguyễn Trận làm Giáo viên Hướng dẫn. Mặc dù ở trường làng, học hành được tiếp nối dở dang nhưng cuối năm tôi vẫn hoàn thành được chương trình tiểu học và được xếp thứ hạng 29/83 học sinh.
Qua năm học mới tôi nộp đơn vào trường Phan Chu Trinh nhưng thi hỏng,  thế là tôi nộp đơn xin vào học Trường Bồ Đề. Nhập học tôi được xếp vào lớp Đệ Thất 7 do Thầy Trần Văn Dưỡng dạy môn Sử địa kiêm GS hướng dẫn, rồi sau đó lên các lớp Đệ Lục 6, Tám 4. Trong các năm nầy tôi được học Việt văn với các Thầy Phạm Thế Mỹ, Trần Ngọc Lang, Thích Viên Minh; học Công dân giáo dục với các Cô Thầy Lê Thị Như Lang, Thích Chơn Không, Thích Tâm Khai; học Anh văn với các Cô Thầy Trương Thị Thu An, Quý Thích; học Toán với các Thầy Huỳnh Viết Xê, Nguyễn Thuận, Thầy Huỳnh Kim Ngọc; học Lý Hóa với các Thầy Trần Trọng Thế, Nguyễn Phụ; học Vạn vật với các Cô Nguyễn Thị Thuận, Lê Thị Như Lang và đặc biệt học Hội họa với Thầy Thích Tâm Hòa.
Giờ học thoải mái và vui vẻ nhất là giờ họa của Thầy Thích Tâm Hòa, vẽ đẹp được 20 điểm, vẽ đàng hoàng 19, vẽ qua loa đại khái được 18 còn chưa kịp vẽ thì lên hát vài ba câu được Thầy cho 17. Mặc dù môn học của Thầy điểm không là quan trọng, nhưng Thầy đã dạy cho chúng tôi tình cảm Thầy-Trò quá lớn lao mà mãi sau nầy khi tôi trở thành Thầy giáo tôi đã thừa hưởng được tính cách nhân ái mà Thầy đã truyền dạy cho tôi từ khi bắt đầu bước chân vào Trung học. Còn Thầy Thích Viên Minh thì cực kỳ nghiêm túc, nhờ đó chúng tôi đã có căn bản rất tốt môn Văn và học được nhiều kỷ năng tập làm văn trong giai đoạn nầy; chắc các bạn còn nhớ Thầy hay nói “Tau náp cho một cái bay đầu” rồi Thầy vỗ tay mạnh xuống bàn và sau đó bàn tay Thầy cho một tát tai xững vững nếu trò nào lười biếng; giờ học của Thầy ai cũng nghiêm túc và học bài chu đáo. Ngoài ra ở Trường Bồ Đề chúng tôi được học thêm môn Giáo lý do nhiều Thầy dạy về Lịch sử phật giáo, cuộc đời Đức Phật và một số kiến thức căn bản về giáo lý của Đức Phật. Tôi nhớ rất sâu sắc lời dạy của Thầy Thích Từ Mẫn, khi nhìn thấy nhiều học sinh ngồi ở góc cuối lớp hay nói chuyện riêng, ít chú ý nghe giảng bài; Thầy đã dạy: “Thông thường khi quét nhà người ta ít chú ý đến các góc cửa, gầm bàn cho nên ở đó có nhiều rác”. Từ đó giờ học của Thầy lớp tôi học hành nghiêm túc hơn. Lời dạy nầy đã ảnh hưởng suốt cuộc đời tôi đến bây giờ, mỗi lần quét dọn nhà cửa tôi thường rất chú ý quét dọn trong góc tủ, gầm bàn trước.
Cũng trong thời gian nầy tôi bắt đầu làm quen với các bạn Nguyễn Đình Khiểm, Bùi Văn Tự, Tăng Ba, Phạm Thế Minh…  Trong 3 năm học nầy, nam sinh và nữ sinh được tổ chức thành từng lớp riêng, bọn tôi cũng chỉ biết chăm chỉ học hành, vui chơi đùa nghịch trong sân trường nên cuộc đời học sinh trôi qua thật êm đềm. Nhiều lắm là trốn học mươi phút chạy ra quán Bác Cai làm gói chè đậu đỏ hoặc là cái bánh tiêu. Chỉ sợ Thầy Giám thị Nguyễn Đình Long hoặc thầy Huỳnh Hòe bắt được thì cho vài roi. Vui nhất là có lần cả lớp quá ồn ào khi Giáo sư đến lớp trễ, bị Thầy Huỳnh Kim Ngọc phạt cả lớp quỳ lên bàn và gỏ mỗi đứa một thước vào mắt cá chân; riêng bạn Tăng Ba bị gỏ cho 3 cái đau điếng vì tội mang cái tên là Tăng Ba, kêu trời không thấu! Trong giai đoạn nầy phong trào Hippy lan tràn rất mạnh, nên quần loe, tóc dài, trượt Patin bắt đầu lan vào trường học, bọn tôi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Trong lớp có vài bạn để tóc dài bị giám thị đến lớp gọi ra hành lang cắt cho một đường ngang mai không thương tiếc, đầu tóc thành bên cao bên thấp trông rất nực cười, chỉ còn nước về nhà cúp lại kiểu ca rê; có bạn bị xẻ quần ống Pát từ chân lên quá đầu gối quê ơi là quê với các bạn gái trong trường.
Thấm thoát tôi đã lên lớp cuối của chương trình Đệ nhất cấp. Từ lớp Tám 4 chuyển lên lớp Chín 4, chúng tôi được học thêm với các Thầy Vũ Hân dạy Văn, Thầy Thích Đức Tịnh dạy Công dân, Thầy Tăng Nga dạy Anh văn, Thầy Trịnh Quang Huy dạy Sử địa, Thầy Đặng Tuyên dạy Lý hóa. Năm học mới có nhiều bạn chuyển sang trường khác, lớp khác và cũng có nhiều bạn từ trường khác, lớp khác chuyển về lớp tôi. Năm học nầy bạn bè trong lớp đã trở thành đàn anh của Đệ nhất cấp nên bắt đầu xuất hiện tư tưởng “anh chị”; nỗi bật có các nhóm “Thần quyền” với Huỳnh Ngọc Sinh, nhóm “Kiến càng” với Nguyễn Đắc Nhơn, Nguyễn Đắc Nghĩa, nhóm “Bóng đá” với Trần Hoàng Tân, Nguyễn Văn Thành, nhóm “Taekwondo” với Hoàng Ngọc Chạy nhóm “Bi da” với Phan Văn Sanh, nhóm “Lang thang” với Lê Trọng Tuấn, Nguyễn Hữu Phước, Đàm Trung Nhơn đặc biệt nhóm “Đại ca” với Hoàng Văn Quang, Trần Ngọc Châu, Trần Khiển bắt đầu hình thành vân vân và vân vân… Năm học nầy một số nhóm trong lớp chúng tôi có nhiều lần đánh nhau với các nhóm khác rất oanh liệt. Huỳnh Ngọc Sinh, Hoàng Ngọc Chạy là những “anh hùng”  trong các trận chiến nầy. Những nhóm nầy hình thành góp phần bảo vệ cho các bạn trong lớp khỏi bị bắt nạt bởi các lớp khác. Kỷ niệm lớn nhất trong niên học nầy là chúng tôi được trường cho tham gia đợt Hội trại Học sinh Miền Vạn Hạnh tổ chức tại Tiên Sa thuộc bán đảo Sơn Trà, lớp chúng tôi được Thầy Trần Văn Dưỡng hướng dẫn và được di chuyển đến Tiên Sa bằng một chuyến tàu quân sự do Hải quân hỗ trợ, chắc nhiều bạn còn nhớ. Và đặc biệt tôi nhớ nhiều kỷ niệm nhất với Thầy Vũ Hân; do Thầy Vũ Hân mắt yếu nên Thầy thường giảng bài, chấm bài và kiểm soát lớp bằng sự phụ giúp của một, hai học sinh được chọn lọc trước, tôi nhờ có giọng nói to, rõ nên được Thầy chọn cùng với Nguyễn Đình Khiểm làm phụ tá sau khi được thử giọng. Nhờ được phụ tá cho Thầy nên đôi khi tôi cũng kiếm chát được vài ly chè đậu đỏ của Bà Nhỏ trước cổng trường nhờ cung cấp thông tin về bài thi môn Văn cho các bạn. Cuối năm học các bạn tôi bắt đầu để ý đến một số bạn nữ nỗi bật trong trường và thường tìm cách chọc ghẹo, cặp đôi… rồi cũng bắt đầu hẹn hò, viết thư tán tỉnh… Trong số đó tôi còn nhớ những tên như Lệ Hà, Bích Trâm, Hồng Vân, Lê Thị Nga (thường đi xe Yamaha nữ), Tuyết Na, Minh Hoa, Hòa-Hiệp, Cúc, Hoa…
Năm học 1972-1973 với nhiều sự kiện nỗi bật, chúng tôi bắt đầu bước vào bậc Đệ nhị cấp, coi như hết tuổi thiếu niên và bắt đầu ý thức được vai trò, trách nhiệm của bản thân đối với trường, với lớp, với gia đình và xã hội. Các lớp học bắt đầu phân ban, tôi được xếp vào lớp 10B2. Năm học nầy tôi rất ấn tượng vì được thêm nhiều bạn mới, đặc biệt là lần đầu tiên được học chung với các bạn nữ. Các bạn nữ thường được ưu tiên ngồi bàn trước, nên các bạn nam ngồi sau có cơ hội ngẵng đời như lấy kim băng ghim 2 tà áo dài của 2 bạn lại với nhau để khi tan học các bạn dính áo với nhau; có khi ngẵng hơn còn đổ cả nước vào giày của bạn. Năm lớp 9 tôi đã học giỏi các môn toán-lý, những bài kiểm tra đạt điểm 19,20/20 của tôi thường được Thầy mang sang giới thiệu với các lớp khác nên tôi được một số bạn ở các lớp khác biết tên và quý mến. Do đó khi nhập vào chung lớp 10B2 tôi được nhiều bạn có thiện cảm và cử làm Trưởng ban Học tập. Năm lớp 10 tôi kết thân với nhiều bạn học giỏi trong lớp như Nguyễn Văn Hùng, Lê Thị Chưu, Trần Thanh Thiệt… chúng tôi cạnh tranh với nhau từng điểm số, hằng tháng thay nhau xếp Nhất, Nhì, Ba của lớp; có tháng chúng tôi cùng đồng hạng Nhất với nhau. Có nhiều bài tập được 16 điểm chúng tôi phải xin Thầy không vào sổ vì sợ hạ thấp số phẩy hàng tháng, do điểm phẩy trung bình của chúng tôi thường trên 16,5 điểm. Vui nhất là với vai trò Trưởng ban Học tập tôi được chỉ định lập “Nhóm cộng sổ” gồm Hồ Thị Bích Trâm, Kim Cương, Trần Minh Hoa, Lê Trọng Tuấn, Lê Trọng Lợi, Nguyễn Văn Hùng… có nhiều lần cộng sổ tại nhà Bích Trâm được uống cocacola, ăn bánh biscuit, nho, cam thoải mái vỉ nhà Bích Trâm có nhiều rất nhiều thứ trong tủ lạnh (!) Và một kỷ niệm mà tôi vẫn nhớ mãi là tờ báo tường của lớp 10B2 năm đó được đặt tên là VẾT CHÂN do tôi chủ biên với nhiều bài rất phong phú, đặc biệt có 2 câu đối bằng chữ nho do Ông Chú tôi nhân dịp ghé thăm nhà, thấy tôi loay hoay trang trí tờ báo Ông bèn cao hứng tặng cho tôi và tôi đã đồng ý để Ông viết trực tiếp bằng chữ nho lên báo sau khi Chú đã giảng cho tôi hiểu nội dung 2 câu của Thầy Mật Thể và của Đào Nguyên Phổ như sau:
Tiếng chuông ngân ngợi trong đêm vắng
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa.
Lấy Quốc Ngữ Làm Chuông Cảnh Tỉnh, Khua Vang Ngõ Hẹp Hang Cùng
Đem Báo Chương Thay Đuốc Văn Minh, Soi Rạng Miền Nam Cõi Bắc
Khi tờ báo tường được treo lên trước cửa Văn phòng, Thầy Thích Minh Đàm và quý thầy biết chữ nho rất thán phục và có lời khen ngợi tổ làm báo, làm tôi được một dịp nở lỗ mũi với bạn bè và các lớp đàn anh.
Ở lớp Mười chúng tôi được học với các Thầy Tăng Nga dạy Văn, Thầy Trần Công Kiểm dạy Công dân giáo dục, Thầy Nguyễn Giai dạy Anh văn, Thầy Nguyễn Xuân Thanh dạy Pháp văn, Thầy Ưng Đồng dạy Sử địa, Thầy Đặng Công Hanh dạy Toán, Thầy Trịnh Quang Huy dạy Vạn vật. Kỷ niệm vui nhất là khi nào cũng “Ke xơ cơ xe, xe tông xích lô” (Qu'est-ce que c'est?  C'est un cyclo) của Thầy Thanh.  Lên lớp 11 chúng tôi được bổ sung thêm sự dạy dỗ của các Thầy Đặng Linh dạy Pháp văn, Thầy Nguyễn Phúc dạy Sử địa, Thầy Trần Hữu Nho dạy Toán, Thầy Nguyễn Ngọc Thông dạy Lý hóa, Cô Trần Thị Thanh Xuân dạy Vạn vật; lên 11B2 có nhiều bạn phải chuyển trường, chuyển ban nên lớp tôi chỉ còn lại hơn phân nửa, phải bổ sung thêm nhiều bạn của các lớp khác, trường khác vào học. Đặc biệt là nhiều bạn nữ chuyển sang các lớp 11A và chuyển trường nên trong lớp chủ yếu là nam, số nữ sinh còn rất ít. Hình như chỉ còn lại một số bạn như Trần Thị Minh Hoa, Nguyễn Thị Hòa, Lê Thị Tồn… còn các bạn Lê Thị Chưu, Hồ Thị Bích Trân, Kim Cương, Lê Thị Cúc, Hoa lò xo, Nguyễn Thị Mừng đã chuyển sang trường khác, lớp khác…
Năm học nầy có nhiều biến cố ngoài xã hội, nào là biểu tình chống bầu cử độc diễn, nào là chiến tranh nổ ra rất ác liệt tại khu vực Miền Trung với sự chết chóc hằng ngày diễn ra trước mắt chúng tôi bởi hình ảnh trực thăng hằng ngày từ chiến trường trở về với nhiều xác chết, nhiều người bị thương đỗ xuống bệnh viện đối diện trước mặt trường, nhiều lần chúng tôi tò mò nhảy tường sang xem. Rồi lệnh Tổng động viên của chính quyền, một số anh học ở các lớp trên phải giã từ nghiên bút, rời ghế nhà trường để khoát lên người chiếc áo Treillis; rồi bạn bè nhiều người phải chia xa nhau, mỗi đứa mỗi phương biền biệt cho đến tận bây giờ vẫn chưa có lần nào gặp lại nhau.
Chuyện khác là một hôm Phan Văn Sanh không thuộc bài bị Thầy Nguyễn Giai nhéo bụng đau chảy nước mắt, Sanh thấy nhục nhã và ê chề quá bèn nghĩ cách trả thù Thầy; hôm ấy Thầy Giai dạy lớp tôi giờ đầu buổi sáng, Sanh bí mật mang theo 1 viên pháo cột vào giữa cây hương cắm sau bảng đen, Thầy vào dạy được chừng 5 phút nghe tiếng nổ cái rầm trước mặt, sợ quá Thầy lom khom chạy ra hành lang; không hiểu chuyện gì xảy ra cả lớp tái mặt, rồi hiểu ra chuyện và cười ồ lên. Thầy vào lại lớp giận tái mặt, không nói lời nào và vẫn tiếp tục dạy hết giờ với gương mặt buồn bã vô cùng. Suốt tuần đó Thầy không nói lời nào, chỉ lên lớp dạy mà thôi, Sanh không chịu nỗi hình ảnh ấy của Thầy nên đã tự thú; Thầy tha lỗi và vui trở lại. Một thời gian sau Thầy vào Saigon nhận nhiệm vụ mới và không may chuyến Boing ấy bị rơi và Thầy đã mất cũng với hàng trăm người trên chuyến bay đó. Phan Văn Sanh hối hận vô cùng. Suốt tuần lễ đám tang của Thầy lớp chúng tôi luôn túc trực bên linh cữu của Thầy và Sanh nhiều lần khóc nức nở, không rời quan tài Thầy nửa bước. Ngày đưa Thầy ra nghĩa trang, học sinh lớp tôi mặc đồng phục áo trắng, quần trắng giày bata trắng khiêng quan tài Thầy về nơi an nghĩ cuối cùng. Trong lễ tang nầy tôi và bạn Trần Quốc Khánh viết điếu văn, bạn Khánh đọc trong Lễ Truy điệu, toàn thể học sinh dự lễ nghe điếu văn nầy đã khóc rất nhiều. Bây giờ nhắc lại Thầy tôi vẫn còn xúc động, không cầm được nước mắt.
Kết thúc niên khóa 1973-1974 sang năm học mới, khối 12 toàn trường chỉ còn 1 lớp 12B với sĩ số trên 100 học sinh, gồm nhiều lớp gộp lại do nhiều bạn nam và hầu hết bạn nữ chuyển sang ban A, mặt khác do tình hình chiến tranh lan rộng nên các bạn học ở các tỉnh khác, các huyện của Quảng Đà phải tập trung về Đà Nẵng quyết lấy cho được bằng Tú tài. Trong năm học nầy chúng tôi được bổ sung nhiều thầy có tiếng tăm như Thầy Bùi Đình Nhuận, Thầy Nguyễn Nguyên dạy Toán, Thầy Trần Đình Quân dạy Văn, Thầy Nguyễn Lương Hiền, Nguyễn Lương Tuấn dạy Triết, Thầy Cát Văn Uẩn dạy Anh văn… các bạn mới từ các trường khác nhập về với thành tích học tập đáng nể như bạn Trần Phước Sơn, Tán Diệp, Ngô Hủy, Hồ Xuân Long … các bạn nầy đã có thành tích đạt học sinh giỏi toàn trường nhiều năm liền tại các Trường huyện. Cũng từ đó hình thành hai nhóm thi đua học tập rất sôi nỗi. Nhóm thứ nhất gồm các bạn học Bồ Đề lâu năm gồm Trần Hữu Thọ, Đặng Hoàng Nhân, Lê Bửu, Phan Văn Thịnh, Lê Vân Hồng… Nhóm thứ hai gồm Trần Phước Sơn, Tán Diệp, Ngô Hủy, Huỳnh Hoàng… hai nhóm nầy chuyên thách thức nhau giải những đề toán khó, những đề thi vào Trường Phú Thọ... khi đối thủ mò mẫm chưa ra mà nhóm mình đã giải được thì đem ra chọc quê, xách mé làm cho không khí thi đua học tập ngày càng sôi nỗi. Năm học nầy tôi nhớ một kỷ niệm quá nỗi bật dẫn đến cả trường rối loạn nghỉ học hết nửa ngày, đích thân Thầy Hiệu trưởng Thích Minh Tuấn phải đứng ra dàn xếp. Sự việc là như thế nầy: Trường đang phát động tuần lễ thi đua với nội dung đại ý là Toàn thể học sinh phải đi học đúng giờ. Sau khi có tiếng kẻng bắt đầu vào lớp, cổng trường đóng lại Thầy Giám thị ra cổng kiểm tra từng học sinh đi trễ, học sinh lớp nào đi trễ bị trừ 1 điểm/hs. Do lớp 12B đang dẫn đầu toàn trường về điểm thi đua, hằng ngày số học sinh đi trễ rất ít nên được Trường tuyên dương. Một số học sinh lớp tôi lại quá ngẵng đời cho rằng như thế là tranh giành thành tích với các lớp bạn và các lớp đàn em. Do đó các bạn nầy đã vào trường đúng giờ lại rũ nhau đi ngược ra ngoài cổng để lớp bị trừ bớt điểm. Khi Giám thị ra cổng kiểm tra, phát hiện ra âm mưu phá rối của học sinh 12B, kiên quyết không cho các học sinh nầy vào lớp và đuổi học bạn cầm đầu. Thế là các bạn đấu lý với Thầy giám thị, cuộc đầu bất phân thắng bại. Trưởng lớp và nhiều bạn phản đối Giám thị, lập tức ra lệnh cho cả lớp kéo ra sân. Trong không khí kích động, nhiều bạn bỏ lớp ra ngoài, riêng nhóm Trần Phước Sơn không chấp hành chủ trương bỏ lớp. Trưởng lớp Trần Hữu Thọ vào Văn phòng cướp tập học bạ của lớp và ra tối hậu thư: “Ai không ra khỏi lớp sẽ bị xé học bạ”, do vẫn chống lệnh nên học bạ của Sơn bị xé tan tành, các bạn khác buộc phải rời lớp xuống sân. Lúc đó có bạn đã nhanh chóng đánh Kẻng bãi học, tất cả học sinh trong trường nghe kẻng bãi, nhanh chóng nhảy ra khởi lớp học, toàn trường như ong vỡ tổ. Lại có bạn khác manh động hơn tháo nguyên 1 tấm cửa sổ từ tầng 2 ném xuống sân, làm cho không khí càng trầm trọng và căng thẳng hơn trong tiếng hò reo, náo động của học sinh toàn trường. Trong khi đó Phan Trung Tín cùng một số bạn khác ngồi biểu tình trước cửa Văn phòng, liền bị Thầy Giám học Thích Minh Đàm quất cho 5,6 roi bầm tím cả lưng. Cuộc đấu kéo dài từ 8 giờ sáng cho đến gần 11 giờ trưa Thầy Hiệu trưởng mới về, sau khi nắm được nội dung, tình hình xảy ra Thầy kêu gọi học sinh trật tự để Thầy nói chuyện. Và Thầy đã chọn giải pháp nhân nhượng là Phê bình Thầy Giám học hành xử chưa đúng mực và tha lỗi cho tất cả học sinh đi học trễ hôm đó. Thật là một kỷ niệm đáng nhớ về sự ấu trĩ, nghịch ngợm và manh động của thời học sinh.
Năm học nầy Thầy Trần Đình Quân mới ở tu nghiệp ở Anh Quốc trở về và dạy môn văn cho lớp chúng tôi, Thầy là Trưởng đoàn Du ca Đà Nẵng. Năm 74 Đoàn Du ca Đà Nẵng do Thầy lãnh đạo tổ chức Đêm nhạc Cầu nguyện cho non sông được hòa bình. Thầy mang đến lớp 2 tấm vé dự Đêm nhạc ấy, Thầy nói: “Tôi tặng cho Trưởng lớp Nguyễn Hữu Thọ 1 tấm vì hằng ngày đã giúp tôi việc mang sổ đầu bài lên lớp, tấm vé thứ hai tôi tặng cho em Đinh Ngọc Niệm người đã có nhiều phát biểu đóng góp tích cực cho bài giảng của tôi” Nghe đến đây tôi không ngờ mình được Thầy thương yêu như vậy, lên bảng nhận tấm vé Thầy tặng mà lòng tôi cảm thấy hân hoan, hạnh phúc và vinh dự vô cùng.
Ngoài ra Thầy Cát Văn Uẩn dạy Anh văn với phương pháp giảng dạy quá ư là tuyệt vời. Ai đam mê tiếng Anh mà học với Thầy thì tiến bộ rất nhanh vì Thầy giảng rất kỹ và rất sâu các từ vựng, học 1 chữ biết thêm 10 chữ… không thể đánh giá được Thầy, chỉ biết rằng Thầy quá mẫu mực và uyên thâm. Ngoài ra Thầy có cách kiểm soát lớp học rất khoa học nên lớp luôn luôn giữ được trật tự, nề nếp trong giờ học; Thầy quy ước sơ đồ lớp gồm 3 dãy Trái (T), Giữa (G), Phải (P); số bàn từ trên xuống 1,2,3… số chổ ngồi từ phải sang trái 1,2,3; như thế T52 nghĩa là bạn ngồi dãy trái, bàn 5, vị trí 2. Bạn nào không tập trung nghe Thầy giảng bài thì Thầy ghi số lên góc bảng; khi bảng đã đầy chữ thì bạn đó phải lên lau bảng. Chỉ có như vậy thôi mà lớp rất trật tự, nề nếp. Cũng nhờ kinh nghiệm này mà tôi rất thành công trong việc quán xuyến lớp khi đã trở thành Thầy giáo.
Kỷ niệm nỗi nhớ khôn cùng,
Trông về kỷ niệm mịt mùng thời gian.
                             (Thơ Nguyễn Thanh)
Nhìn lại 50 năm đã trôi qua mà như mới ngày nào. Còn quá nhiều kỷ niệm chưa kể lên đây, còn quá nhiều lời dạy dỗ của Quý Thầy chưa được viết lên đây để chúng ta ôn lại, còn quá nhiều bạn bè chưa được nhắc đến tên nhau để nhớ nhau, cầu mong cho nhau những điều tốt đẹp nhất… tất cả đều là những ký ức vàng son của ngày xanh. Tất cả đã trở thành những hạt minh châu long lanh tỏa sáng trong tâm hồn tôi. Xin kính dâng tấm lòng biết ơn sâu sắc lên Quý Thầy, Quý Cô  những người đã có công rất lớn dạy dỗ cho chúng ta trở thành những con người biết hướng về Chân Thiện Mỹ. Xin chân thành gửi đến tất cả các bạn của tôi lời cầu chúc An vui, Hạnh phúc và Viên mãn.
Xin chép lại bài thơ thay lời kết.
Nhạt nét hào hoa
Kể từ bẻ phấn, quẳng nghiên,
Gói trang sách cũ, bó thiên chương vàng.
Kể từ vó ngựa lỡ làng,
Trăng thong dong suối, mây lang thang đồi.
Bên sông bóng hạc chiều vơi,
Nắng gầy đỉnh Ngự, phụng rời rã sương.
Tìm vui đá sỏi công trường,
Hào hoa nhạt nét, phong sương ngất trời.
Lục trong ký ức mù khơi,
Dấu hài kỷ niệm, một thời phôi pha.
Bút nghiên, duyên cũ nhạt nhoà,
Góc hiên lẫn lộn cỏ hoa thế tình.
Đôi khi cảm nghĩa nhân sinh,
Tạc thù chén bạn, chén mình nồng cay.
Ra về lãng đãng men say,
Nửa đêm tỉnh giấc tháng ngày gần xa.
Đôi khi thèm tiếng chim ca,
Lên non bỏ lại âm ba muộn phiền.
Ra đi rừng núi bình yên,
Quay về phố thị đã im lìm rồi.
Gương trăng trở giấc rạng ngời,
Thềm xưa mấy giọt sương rơi mơ hồ.

Huế, 20.12.2016
Đinh Ngọc Niệm