Dạo ấy quê tôi bắt đầu ảnh hưởng nặng nề bởi chiến tranh, nên việc học
hành bữa được, bữa mất không ổn định. Do đó Ba Mạ tôi quyết định cho tôi rời
quê để trọ học ở thành phố. May mắn là lúc đó anh Cả tôi đang làm việc ở Đà Nẵng
nên tôi được vào ở với anh để đi học. Đang học dở dang lớp Nhất trường làng tôi
chuyển vào học trường Tiểu học Tin Lành ở đường Thống Nhất (gần Cầu Vồng), bây
giờ là đường Lê Duẫn; Trường do Phó Mục Sư Lê Cao Quý làm Hiệu trưởng, tôi học
lớp Nhất do Thầy Nguyễn Trận làm Giáo viên Hướng dẫn. Mặc dù ở trường làng, học
hành được tiếp nối dở dang nhưng cuối năm tôi vẫn hoàn thành được chương trình
tiểu học và được xếp thứ hạng 29/83 học sinh.
Qua năm học mới tôi nộp đơn vào trường Phan Chu Trinh nhưng thi hỏng, thế là tôi nộp đơn xin vào học Trường Bồ Đề.
Nhập học tôi được xếp vào lớp Đệ Thất 7 do Thầy Trần Văn Dưỡng dạy môn Sử địa
kiêm GS hướng dẫn, rồi sau đó lên các lớp Đệ Lục 6, Tám 4. Trong các năm nầy
tôi được học Việt văn với các Thầy Phạm Thế Mỹ, Trần Ngọc Lang, Thích Viên
Minh; học Công dân giáo dục với các Cô Thầy Lê Thị Như Lang, Thích Chơn Không,
Thích Tâm Khai; học Anh văn với các Cô Thầy Trương Thị Thu An, Quý Thích; học
Toán với các Thầy Huỳnh Viết Xê, Nguyễn Thuận, Thầy Huỳnh Kim Ngọc; học Lý Hóa
với các Thầy Trần Trọng Thế, Nguyễn Phụ; học Vạn vật với các Cô Nguyễn Thị Thuận,
Lê Thị Như Lang và đặc biệt học Hội họa với Thầy Thích Tâm Hòa.
Giờ học thoải mái và vui vẻ nhất là giờ họa của Thầy Thích Tâm Hòa, vẽ
đẹp được 20 điểm, vẽ đàng hoàng 19, vẽ qua loa đại khái được 18 còn chưa kịp vẽ
thì lên hát vài ba câu được Thầy cho 17. Mặc dù môn học của Thầy điểm không là
quan trọng, nhưng Thầy đã dạy cho chúng tôi tình cảm Thầy-Trò quá lớn lao mà
mãi sau nầy khi tôi trở thành Thầy giáo tôi đã thừa hưởng được tính cách nhân
ái mà Thầy đã truyền dạy cho tôi từ khi bắt đầu bước chân vào Trung học. Còn Thầy
Thích Viên Minh thì cực kỳ nghiêm túc, nhờ đó chúng tôi đã có căn bản rất tốt môn
Văn và học được nhiều kỷ năng tập làm văn trong giai đoạn nầy; chắc các bạn còn
nhớ Thầy hay nói “Tau náp cho một cái bay đầu” rồi Thầy vỗ tay mạnh xuống bàn
và sau đó bàn tay Thầy cho một tát tai xững vững nếu trò nào lười biếng; giờ học
của Thầy ai cũng nghiêm túc và học bài chu đáo. Ngoài ra ở Trường Bồ Đề chúng
tôi được học thêm môn Giáo lý do nhiều Thầy dạy về Lịch sử phật giáo, cuộc đời
Đức Phật và một số kiến thức căn bản về giáo lý của Đức Phật. Tôi nhớ rất sâu sắc
lời dạy của Thầy Thích Từ Mẫn, khi nhìn thấy nhiều học sinh ngồi ở góc cuối lớp
hay nói chuyện riêng, ít chú ý nghe giảng bài; Thầy đã dạy: “Thông thường khi
quét nhà người ta ít chú ý đến các góc cửa, gầm bàn cho nên ở đó có nhiều rác”.
Từ đó giờ học của Thầy lớp tôi học hành nghiêm túc hơn. Lời dạy nầy đã ảnh hưởng
suốt cuộc đời tôi đến bây giờ, mỗi lần quét dọn nhà cửa tôi thường rất chú ý
quét dọn trong góc tủ, gầm bàn trước.
Cũng trong thời gian nầy tôi bắt đầu làm quen với các bạn Nguyễn Đình
Khiểm, Bùi Văn Tự, Tăng Ba, Phạm Thế Minh… Trong 3 năm học nầy, nam sinh và nữ sinh được
tổ chức thành từng lớp riêng, bọn tôi cũng chỉ biết chăm chỉ học hành, vui chơi
đùa nghịch trong sân trường nên cuộc đời học sinh trôi qua thật êm đềm. Nhiều lắm
là trốn học mươi phút chạy ra quán Bác Cai làm gói chè đậu đỏ hoặc là cái bánh
tiêu. Chỉ sợ Thầy Giám thị Nguyễn Đình Long hoặc thầy Huỳnh Hòe bắt được thì
cho vài roi. Vui nhất là có lần cả lớp quá ồn ào khi Giáo sư đến lớp trễ, bị Thầy
Huỳnh Kim Ngọc phạt cả lớp quỳ lên bàn và gỏ mỗi đứa một thước vào mắt cá chân;
riêng bạn Tăng Ba bị gỏ cho 3 cái đau điếng vì tội mang cái tên là Tăng Ba, kêu
trời không thấu! Trong giai đoạn nầy phong trào Hippy lan tràn rất mạnh, nên quần
loe, tóc dài, trượt Patin bắt đầu lan vào trường học, bọn tôi ít nhiều cũng bị ảnh
hưởng. Trong lớp có vài bạn để tóc dài bị giám thị đến lớp gọi ra hành lang cắt
cho một đường ngang mai không thương tiếc, đầu tóc thành bên cao bên thấp trông
rất nực cười, chỉ còn nước về nhà cúp lại kiểu ca rê; có bạn bị xẻ quần ống Pát
từ chân lên quá đầu gối quê ơi là quê với các bạn gái trong trường.
Thấm thoát tôi đã lên lớp cuối của chương trình Đệ nhất cấp. Từ lớp Tám
4 chuyển lên lớp Chín 4, chúng tôi được học thêm với các Thầy Vũ Hân dạy Văn,
Thầy Thích Đức Tịnh dạy Công dân, Thầy Tăng Nga dạy Anh văn, Thầy Trịnh Quang
Huy dạy Sử địa, Thầy Đặng Tuyên dạy Lý hóa. Năm học mới có nhiều bạn chuyển
sang trường khác, lớp khác và cũng có nhiều bạn từ trường khác, lớp khác chuyển
về lớp tôi. Năm học nầy bạn bè trong lớp đã trở thành đàn anh của Đệ nhất cấp
nên bắt đầu xuất hiện tư tưởng “anh chị”; nỗi bật có các nhóm “Thần quyền” với
Huỳnh Ngọc Sinh, nhóm “Kiến càng” với Nguyễn Đắc Nhơn, Nguyễn Đắc Nghĩa, nhóm
“Bóng đá” với Trần Hoàng Tân, Nguyễn Văn Thành, nhóm “Taekwondo” với Hoàng Ngọc
Chạy nhóm “Bi da” với Phan Văn Sanh, nhóm “Lang thang” với Lê Trọng Tuấn, Nguyễn
Hữu Phước, Đàm Trung Nhơn đặc biệt nhóm “Đại ca” với Hoàng Văn Quang, Trần Ngọc
Châu, Trần Khiển bắt đầu hình thành vân vân và vân vân… Năm học nầy một số nhóm
trong lớp chúng tôi có nhiều lần đánh nhau với các nhóm khác rất oanh liệt. Huỳnh
Ngọc Sinh, Hoàng Ngọc Chạy là những “anh hùng”
trong các trận chiến nầy. Những nhóm nầy hình thành góp phần bảo vệ cho
các bạn trong lớp khỏi bị bắt nạt bởi các lớp khác. Kỷ niệm lớn nhất trong niên
học nầy là chúng tôi được trường cho tham gia đợt Hội trại Học sinh Miền Vạn Hạnh
tổ chức tại Tiên Sa thuộc bán đảo Sơn Trà, lớp chúng tôi được Thầy Trần Văn Dưỡng
hướng dẫn và được di chuyển đến Tiên Sa bằng một chuyến tàu quân sự do Hải quân
hỗ trợ, chắc nhiều bạn còn nhớ. Và đặc biệt tôi nhớ nhiều kỷ niệm nhất với Thầy
Vũ Hân; do Thầy Vũ Hân mắt yếu nên Thầy thường giảng bài, chấm bài và kiểm soát
lớp bằng sự phụ giúp của một, hai học sinh được chọn lọc trước, tôi nhờ có giọng
nói to, rõ nên được Thầy chọn cùng với Nguyễn Đình Khiểm làm phụ tá sau khi được
thử giọng. Nhờ được phụ tá cho Thầy nên đôi khi tôi cũng kiếm chát được vài ly
chè đậu đỏ của Bà Nhỏ trước cổng trường nhờ cung cấp thông tin về bài thi môn
Văn cho các bạn. Cuối năm học các bạn tôi bắt đầu để ý đến một số bạn nữ nỗi bật
trong trường và thường tìm cách chọc ghẹo, cặp đôi… rồi cũng bắt đầu hẹn hò, viết
thư tán tỉnh… Trong số đó tôi còn nhớ những tên như Lệ Hà, Bích Trâm, Hồng Vân,
Lê Thị Nga (thường đi xe Yamaha nữ), Tuyết Na, Minh Hoa, Hòa-Hiệp, Cúc, Hoa…
Năm học 1972-1973 với nhiều sự kiện nỗi bật, chúng tôi bắt đầu bước vào
bậc Đệ nhị cấp, coi như hết tuổi thiếu niên và bắt đầu ý thức được vai trò,
trách nhiệm của bản thân đối với trường, với lớp, với gia đình và xã hội. Các lớp
học bắt đầu phân ban, tôi được xếp vào lớp 10B2. Năm học nầy tôi rất ấn tượng
vì được thêm nhiều bạn mới, đặc biệt là lần đầu tiên được học chung với các bạn
nữ. Các bạn nữ thường được ưu tiên ngồi bàn trước, nên các bạn nam ngồi sau có
cơ hội ngẵng đời như lấy kim băng ghim 2 tà áo dài của 2 bạn lại với nhau để
khi tan học các bạn dính áo với nhau; có khi ngẵng hơn còn đổ cả nước vào giày
của bạn. Năm lớp 9 tôi đã học giỏi các môn toán-lý, những bài kiểm tra đạt điểm
19,20/20 của tôi thường được Thầy mang sang giới thiệu với các lớp khác nên tôi
được một số bạn ở các lớp khác biết tên và quý mến. Do đó khi nhập vào chung lớp
10B2 tôi được nhiều bạn có thiện cảm và cử làm Trưởng ban Học tập. Năm lớp 10 tôi
kết thân với nhiều bạn học giỏi trong lớp như Nguyễn Văn Hùng, Lê Thị Chưu, Trần
Thanh Thiệt… chúng tôi cạnh tranh với nhau từng điểm số, hằng tháng thay nhau xếp
Nhất, Nhì, Ba của lớp; có tháng chúng tôi cùng đồng hạng Nhất với nhau. Có nhiều
bài tập được 16 điểm chúng tôi phải xin Thầy không vào sổ vì sợ hạ thấp số phẩy
hàng tháng, do điểm phẩy trung bình của chúng tôi thường trên 16,5 điểm. Vui nhất
là với vai trò Trưởng ban Học tập tôi được chỉ định lập “Nhóm cộng sổ” gồm Hồ
Thị Bích Trâm, Kim Cương, Trần Minh Hoa, Lê Trọng Tuấn, Lê Trọng Lợi, Nguyễn
Văn Hùng… có nhiều lần cộng sổ tại nhà Bích Trâm được uống cocacola, ăn bánh
biscuit, nho, cam thoải mái vỉ nhà Bích Trâm có nhiều rất nhiều thứ trong tủ lạnh
(!) Và một kỷ niệm mà tôi vẫn nhớ mãi là tờ báo tường của lớp 10B2 năm đó được
đặt tên là VẾT CHÂN do tôi chủ biên với nhiều bài rất phong phú, đặc biệt có 2
câu đối bằng chữ nho do Ông Chú tôi nhân dịp ghé thăm nhà, thấy tôi loay hoay
trang trí tờ báo Ông bèn cao hứng tặng cho tôi và tôi đã đồng ý để Ông viết trực
tiếp bằng chữ nho lên báo sau khi Chú đã giảng cho tôi hiểu nội dung 2 câu của
Thầy Mật Thể và của Đào Nguyên Phổ như sau:
Tiếng
chuông ngân ngợi trong đêm vắng
Thử hỏi hồn ai đã tỉnh chưa.
Lấy
Quốc Ngữ Làm Chuông Cảnh Tỉnh, Khua Vang Ngõ Hẹp Hang Cùng
Đem Báo Chương Thay Đuốc Văn
Minh, Soi Rạng Miền Nam Cõi Bắc
Khi tờ báo tường được treo lên trước cửa Văn phòng, Thầy Thích Minh Đàm
và quý thầy biết chữ nho rất thán phục và có lời khen ngợi tổ làm báo, làm tôi
được một dịp nở lỗ mũi với bạn bè và các lớp đàn anh.
Ở lớp Mười chúng tôi được học với các Thầy Tăng Nga dạy Văn, Thầy Trần
Công Kiểm dạy Công dân giáo dục, Thầy Nguyễn Giai dạy Anh văn, Thầy Nguyễn Xuân
Thanh dạy Pháp văn, Thầy Ưng Đồng dạy Sử địa, Thầy Đặng Công Hanh dạy Toán, Thầy
Trịnh Quang Huy dạy Vạn vật. Kỷ niệm vui nhất là khi nào cũng “Ke xơ cơ xe, xe
tông xích lô” (Qu'est-ce que c'est? C'est
un cyclo) của Thầy Thanh. Lên lớp 11
chúng tôi được bổ sung thêm sự dạy dỗ của các Thầy Đặng Linh dạy Pháp văn, Thầy
Nguyễn Phúc dạy Sử địa, Thầy Trần Hữu Nho dạy Toán, Thầy Nguyễn Ngọc Thông dạy
Lý hóa, Cô Trần Thị Thanh Xuân dạy Vạn vật; lên 11B2 có nhiều bạn phải chuyển
trường, chuyển ban nên lớp tôi chỉ còn lại hơn phân nửa, phải bổ sung thêm nhiều
bạn của các lớp khác, trường khác vào học. Đặc biệt là nhiều bạn nữ chuyển sang
các lớp 11A và chuyển trường nên trong lớp chủ yếu là nam, số nữ sinh còn rất
ít. Hình như chỉ còn lại một số bạn như Trần Thị Minh Hoa, Nguyễn Thị Hòa, Lê
Thị Tồn… còn các bạn Lê Thị Chưu, Hồ Thị Bích Trân, Kim Cương, Lê Thị Cúc, Hoa
lò xo, Nguyễn Thị Mừng đã chuyển sang trường khác, lớp khác…
Năm học nầy có nhiều biến cố ngoài xã hội, nào là biểu tình chống bầu cử
độc diễn, nào là chiến tranh nổ ra rất ác liệt tại khu vực Miền Trung với sự chết
chóc hằng ngày diễn ra trước mắt chúng tôi bởi hình ảnh trực thăng hằng ngày từ
chiến trường trở về với nhiều xác chết, nhiều người bị thương đỗ xuống bệnh viện
đối diện trước mặt trường, nhiều lần chúng tôi tò mò nhảy tường sang xem. Rồi lệnh
Tổng động viên của chính quyền, một số anh học ở các lớp trên phải giã từ
nghiên bút, rời ghế nhà trường để khoát lên người chiếc áo Treillis; rồi bạn bè
nhiều người phải chia xa nhau, mỗi đứa mỗi phương biền biệt cho đến tận bây giờ
vẫn chưa có lần nào gặp lại nhau.
Chuyện khác là một hôm Phan Văn Sanh không thuộc bài bị Thầy Nguyễn
Giai nhéo bụng đau chảy nước mắt, Sanh thấy nhục nhã và ê chề quá bèn nghĩ cách
trả thù Thầy; hôm ấy Thầy Giai dạy lớp tôi giờ đầu buổi sáng, Sanh bí mật mang theo
1 viên pháo cột vào giữa cây hương cắm sau bảng đen, Thầy vào dạy được chừng 5
phút nghe tiếng nổ cái rầm trước mặt, sợ quá Thầy lom khom chạy ra hành lang;
không hiểu chuyện gì xảy ra cả lớp tái mặt, rồi hiểu ra chuyện và cười ồ lên.
Thầy vào lại lớp giận tái mặt, không nói lời nào và vẫn tiếp tục dạy hết giờ với
gương mặt buồn bã vô cùng. Suốt tuần đó Thầy không nói lời nào, chỉ lên lớp dạy
mà thôi, Sanh không chịu nỗi hình ảnh ấy của Thầy nên đã tự thú; Thầy tha lỗi
và vui trở lại. Một thời gian sau Thầy vào Saigon nhận nhiệm vụ mới và không
may chuyến Boing ấy bị rơi và Thầy đã mất cũng với hàng trăm người trên chuyến
bay đó. Phan Văn Sanh hối hận vô cùng. Suốt tuần lễ đám tang của Thầy lớp chúng
tôi luôn túc trực bên linh cữu của Thầy và Sanh nhiều lần khóc nức nở, không rời
quan tài Thầy nửa bước. Ngày đưa Thầy ra nghĩa trang, học sinh lớp tôi mặc đồng
phục áo trắng, quần trắng giày bata trắng khiêng quan tài Thầy về nơi an nghĩ
cuối cùng. Trong lễ tang nầy tôi và bạn Trần Quốc Khánh viết điếu văn, bạn Khánh
đọc trong Lễ Truy điệu, toàn thể học sinh dự lễ nghe điếu văn nầy đã khóc rất
nhiều. Bây giờ nhắc lại Thầy tôi vẫn còn xúc động, không cầm được nước mắt.
Kết thúc niên khóa 1973-1974 sang năm học mới, khối 12 toàn trường chỉ
còn 1 lớp 12B với sĩ số trên 100 học sinh, gồm nhiều lớp gộp lại do nhiều bạn
nam và hầu hết bạn nữ chuyển sang ban A, mặt khác do tình hình chiến tranh lan
rộng nên các bạn học ở các tỉnh khác, các huyện của Quảng Đà phải tập trung về
Đà Nẵng quyết lấy cho được bằng Tú tài. Trong năm học nầy chúng tôi được bổ
sung nhiều thầy có tiếng tăm như Thầy Bùi Đình Nhuận, Thầy Nguyễn Nguyên dạy
Toán, Thầy Trần Đình Quân dạy Văn, Thầy Nguyễn Lương Hiền, Nguyễn Lương Tuấn dạy
Triết, Thầy Cát Văn Uẩn dạy Anh văn… các bạn mới từ các trường khác nhập về với
thành tích học tập đáng nể như bạn Trần Phước Sơn, Tán Diệp, Ngô Hủy, Hồ Xuân
Long … các bạn nầy đã có thành tích đạt học sinh giỏi toàn trường nhiều năm liền
tại các Trường huyện. Cũng từ đó hình thành hai nhóm thi đua học tập rất sôi nỗi.
Nhóm thứ nhất gồm các bạn học Bồ Đề lâu năm gồm Trần Hữu Thọ, Đặng Hoàng Nhân,
Lê Bửu, Phan Văn Thịnh, Lê Vân Hồng… Nhóm thứ hai gồm Trần Phước Sơn, Tán Diệp,
Ngô Hủy, Huỳnh Hoàng… hai nhóm nầy chuyên thách thức nhau giải những đề toán
khó, những đề thi vào Trường Phú Thọ... khi đối thủ mò mẫm chưa ra mà nhóm mình
đã giải được thì đem ra chọc quê, xách mé làm cho không khí thi đua học tập
ngày càng sôi nỗi. Năm học nầy tôi nhớ một kỷ niệm quá nỗi bật dẫn đến cả trường
rối loạn nghỉ học hết nửa ngày, đích thân Thầy Hiệu trưởng Thích Minh Tuấn phải
đứng ra dàn xếp. Sự việc là như thế nầy: Trường đang phát động tuần lễ thi đua
với nội dung đại ý là Toàn thể học sinh phải đi học đúng giờ. Sau khi có tiếng
kẻng bắt đầu vào lớp, cổng trường đóng lại Thầy Giám thị ra cổng kiểm tra từng
học sinh đi trễ, học sinh lớp nào đi trễ bị trừ 1 điểm/hs. Do lớp 12B đang dẫn
đầu toàn trường về điểm thi đua, hằng ngày số học sinh đi trễ rất ít nên được
Trường tuyên dương. Một số học sinh lớp tôi lại quá ngẵng đời cho rằng như thế
là tranh giành thành tích với các lớp bạn và các lớp đàn em. Do đó các bạn nầy
đã vào trường đúng giờ lại rũ nhau đi ngược ra ngoài cổng để lớp bị trừ bớt điểm.
Khi Giám thị ra cổng kiểm tra, phát hiện ra âm mưu phá rối của học sinh 12B, kiên
quyết không cho các học sinh nầy vào lớp và đuổi học bạn cầm đầu. Thế là các bạn
đấu lý với Thầy giám thị, cuộc đầu bất phân thắng bại. Trưởng lớp và nhiều bạn
phản đối Giám thị, lập tức ra lệnh cho cả lớp kéo ra sân. Trong không khí kích
động, nhiều bạn bỏ lớp ra ngoài, riêng nhóm Trần Phước Sơn không chấp hành chủ
trương bỏ lớp. Trưởng lớp Trần Hữu Thọ vào Văn phòng cướp tập học bạ của lớp và
ra tối hậu thư: “Ai không ra khỏi lớp sẽ bị xé học bạ”, do vẫn chống lệnh nên học
bạ của Sơn bị xé tan tành, các bạn khác buộc phải rời lớp xuống sân. Lúc đó có
bạn đã nhanh chóng đánh Kẻng bãi học, tất cả học sinh trong trường nghe kẻng
bãi, nhanh chóng nhảy ra khởi lớp học, toàn trường như ong vỡ tổ. Lại có bạn
khác manh động hơn tháo nguyên 1 tấm cửa sổ từ tầng 2 ném xuống sân, làm cho
không khí càng trầm trọng và căng thẳng hơn trong tiếng hò reo, náo động của học
sinh toàn trường. Trong khi đó Phan Trung Tín cùng một số bạn khác ngồi biểu
tình trước cửa Văn phòng, liền bị Thầy Giám học Thích Minh Đàm quất cho 5,6 roi
bầm tím cả lưng. Cuộc đấu kéo dài từ 8 giờ sáng cho đến gần 11 giờ trưa Thầy Hiệu
trưởng mới về, sau khi nắm được nội dung, tình hình xảy ra Thầy kêu gọi học
sinh trật tự để Thầy nói chuyện. Và Thầy đã chọn giải pháp nhân nhượng là Phê
bình Thầy Giám học hành xử chưa đúng mực và tha lỗi cho tất cả học sinh đi học
trễ hôm đó. Thật là một kỷ niệm đáng nhớ về sự ấu trĩ, nghịch ngợm và manh động
của thời học sinh.
Năm học nầy Thầy Trần Đình Quân mới ở tu nghiệp ở Anh Quốc trở về và dạy
môn văn cho lớp chúng tôi, Thầy là Trưởng đoàn Du ca Đà Nẵng. Năm 74 Đoàn Du ca
Đà Nẵng do Thầy lãnh đạo tổ chức Đêm nhạc Cầu nguyện cho non sông được hòa
bình. Thầy mang đến lớp 2 tấm vé dự Đêm nhạc ấy, Thầy nói: “Tôi tặng cho Trưởng
lớp Nguyễn Hữu Thọ 1 tấm vì hằng ngày đã giúp tôi việc mang sổ đầu bài lên lớp,
tấm vé thứ hai tôi tặng cho em Đinh Ngọc Niệm người đã có nhiều phát biểu đóng
góp tích cực cho bài giảng của tôi” Nghe đến đây tôi không ngờ mình được Thầy
thương yêu như vậy, lên bảng nhận tấm vé Thầy tặng mà lòng tôi cảm thấy hân
hoan, hạnh phúc và vinh dự vô cùng.
Ngoài ra Thầy Cát Văn Uẩn dạy Anh văn với phương pháp giảng dạy quá ư
là tuyệt vời. Ai đam mê tiếng Anh mà học với Thầy thì tiến bộ rất nhanh vì Thầy
giảng rất kỹ và rất sâu các từ vựng, học 1 chữ biết thêm 10 chữ… không thể đánh
giá được Thầy, chỉ biết rằng Thầy quá mẫu mực và uyên thâm. Ngoài ra Thầy có
cách kiểm soát lớp học rất khoa học nên lớp luôn luôn giữ được trật tự, nề nếp
trong giờ học; Thầy quy ước sơ đồ lớp gồm 3 dãy Trái (T), Giữa (G), Phải (P); số
bàn từ trên xuống 1,2,3… số chổ ngồi từ phải sang trái 1,2,3; như thế T52 nghĩa
là bạn ngồi dãy trái, bàn 5, vị trí 2. Bạn nào không tập trung nghe Thầy giảng
bài thì Thầy ghi số lên góc bảng; khi bảng đã đầy chữ thì bạn đó phải lên lau bảng.
Chỉ có như vậy thôi mà lớp rất trật tự, nề nếp. Cũng nhờ kinh nghiệm này mà tôi
rất thành công trong việc quán xuyến lớp khi đã trở thành Thầy giáo.
Kỷ niệm nỗi nhớ khôn cùng,
Trông về kỷ niệm mịt mùng thời
gian.
(Thơ Nguyễn Thanh)
Nhìn lại 50 năm đã trôi qua mà như mới ngày nào. Còn quá nhiều kỷ niệm
chưa kể lên đây, còn quá nhiều lời dạy dỗ của Quý Thầy chưa được viết lên đây để
chúng ta ôn lại, còn quá nhiều bạn bè chưa được nhắc đến tên nhau để nhớ nhau,
cầu mong cho nhau những điều tốt đẹp nhất… tất cả đều là những ký ức vàng son của
ngày xanh. Tất cả đã trở thành những hạt minh châu long lanh tỏa sáng trong tâm
hồn tôi. Xin kính dâng tấm lòng biết ơn sâu sắc lên Quý Thầy, Quý Cô những người đã có công rất lớn dạy dỗ cho
chúng ta trở thành những con người biết hướng về Chân Thiện Mỹ. Xin chân thành gửi
đến tất cả các bạn của tôi lời cầu chúc An vui, Hạnh phúc và Viên mãn.
Xin chép lại bài thơ thay lời kết.
Nhạt nét hào hoa
Kể từ bẻ phấn, quẳng nghiên,
Gói trang sách cũ, bó thiên chương vàng.
Kể từ vó ngựa lỡ làng,
Trăng thong dong suối, mây lang thang đồi.
Bên sông bóng hạc chiều vơi,
Nắng gầy đỉnh Ngự, phụng rời rã sương.
Tìm vui đá sỏi công trường,
Hào hoa nhạt nét, phong sương ngất trời.
Lục trong ký ức mù khơi,
Dấu hài kỷ niệm, một thời phôi pha.
Bút nghiên, duyên cũ nhạt nhoà,
Góc hiên lẫn lộn cỏ hoa thế tình.
Đôi khi cảm nghĩa nhân sinh,
Tạc thù chén bạn, chén mình nồng cay.
Ra về lãng đãng men say,
Nửa đêm tỉnh giấc tháng ngày gần xa.
Đôi khi thèm tiếng chim ca,
Lên non bỏ lại âm ba muộn phiền.
Ra đi rừng núi bình yên,
Quay về phố thị đã im lìm rồi.
Gương trăng trở giấc rạng ngời,
Thềm xưa mấy giọt sương rơi mơ hồ.
Huế, 20.12.2016
Đinh Ngọc Niệm