Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

GS Nguyễn hoàng Phương


NHỚ VỀ GS. NGUYỄN HOÀNG PHƯƠNG-
MỘT THẦY GIÁO UYÊN THÂM
VÀ TẤM LÒNG NHÂN ÁI.
***
Bài của Nguyễn Hồng Trân (cựu GV Đại học Khoa học Huế)

Nhớ lại những ngày tôi còn đi học rồi đi dạy ở Hà Nội, tôi không sao quên được người thầy giáo đầy lòng nhân ái và uyên thâm khoa học như thầy Nguyễn Hoàng Phương [NHP]–GS vật lý trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (sau này là Đại học Quốc gia Khoa học tự nhiên). Quê hương thầy ở Thừa Thiên -Huế.
Hồi đó, tôi ở nhà ông Nguyễn Quỳnh 16 A Phạm Đình Hồ (chú ruột tôi) gần nhà của thầy Phương ở 16 phố Hàng Chuối. Vì quê hương của thầy là người Thừa Thiên -Huế nên tôi thường hay lui tới thăm chơi và chuyện trò với thầy một cách thân mật. Thầy có vợ nhưng không có con cái. Cuộc sống của thầy thật giản dị mà tâm hồn và tri thức thì vô cùng phong phú. Thầy là một giáo sư vật lý lý thuyết nhưng thầy am hiểu rộng nhiều mặt về khoa học tự nhiên, về đất nước- con người, về tâm linh- tình cảm v.v…
Sau khi tôi được đọc tác phẩm của thầy viết về nhà bác học nổi tiếng Albert Einstein tôi càng yêu thích và gần gũi thầy nhiều hơn. Vì thầy viết sách không phải chỉ nặng về lý trí khoa học mà thầy đã gửi gắm những tình cảm chân thành của mình đối nhân vật trong sách.
Những năm sống ở Hà nội tôi được vinh dự gần gũi thầy nên học hỏi được nhiều điều về nhân cách cuộc sống, về đạo đức đích thực của người trí thức trong thời đại mới. Tôi cũng được nghe thầy tâm sự cuộc đời và sự nghiệp khoa học của thầy.
GS. Nguyễn Hoàng Phương sinh năm 1927. Thầy đã từng là chiến sĩ biệt động hoạt động ở thành phố Huế. Năm 1948, NHP nhập Đội Tuyên truyền xung phong Quảng Nam - Đà Nẵng, do nhà văn Nguyễn Văn Bổng làm đội trưởng. Hồi đó NHP là một thanh niên hăng hái, đầy nhiệt tình cách mạng và thông minh xuất chúng có tiếng tăm lên đến tận Khu uỷ Liên khu Năm. Ông Trần Đình Thi - Chủ tịch Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Liên khu Năm thấy thế đã quyết định cho Nguyễn Hoàng Phương đi học. Năm 1949, được cử đi đào tạo khoa học cơ bản và được trực tiếp học với thầy giáo danh tiếng Lê Văn Thiêm Việt Nam tại Nam Ninh, Trung Quốc và sau đó tiếp tục ở lại giảng dạy ở Khu học xá đó.
Khi tiếp quản Thủ đô, thầy về dạy ở Trường Đại học Sư phạm, và vào tháng 9.1956. Khi Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN) được thành lập, thầy đã có mặt ngay từ những ngày đầu tiên với tư cách người thầy chính thức của nhà trường. Sau khi Khoa Tự nhiên tách thành các khoa Toán, Lý, Hoá..., thầy NHP được cử làm Chủ nhiệm Khoa Vật lý. Bên cạnh các tên tuổi bậc thầy về vật lý như GS. Ngụy Như Kontum, thầy Phương được coi là con chim đầu đàn của ngành Vật lý Việt Nam, là thầy của hầu hết những nhà vật lý tiếng tăm.
Trước khi tôi đi du học nước ngoài, tôi đã đến thăm cô thầy Phương, thầy đã nói chuyện với tôi rất nhiều về mục đích và yêu cầu của người du học nước ngoài. Tôi còn nhớ mãi nét mặt tươi cười của thầy nói vừa đùa vui, như vừa dặn tôi mấy câu cuối cùng trước khi tạm biệt thầy. Thầy nói: “Cậu Trân ơi! Sang nước ngoài phải học cho tốt và phải thành kỹ sư giỏi hơn kỹ sư trong nước đấy nhé rồi phải học nữa, học mãi mới giỏi được và nhớ sang bên Tây đừng có mê gái mà lấy vợ đầm về nước thì khổ lắm đấy!”. Lúc đó tôi chỉ dạ dạ, vâng vâng rồi nói ngay với thầy: “Em xin cố gắng nghe theo lời thầy khuyên bảo. Chắc chắn em sẽ thực hiện được đấy thầy ạ”.
Cuối năm 1972 đầu năm 1973, tôi về Hà Nội và đến thăm thầy. Lúc đó thấy thầy vẫn béo tốt, da dẻ hồng hào, mắt vẫn trong sáng như xưa chỉ có đầu tóc đã bạc thêm nhiều. Hai thầy trò chúng tôi ôm nhau vui sướng rồi ngồi chuyện trò trong nhà thầy rất lâu rồi cô thầy mời Trân ở lại chơi ăn cơm.
Sau ngày hoà bình thống nhất đất nước Việt Nam, thầy và tôi vào thăm quê hương sau bao nhiêu năm xa cách. Tôi vào trước thầy vào sau. Đến tháng 11 năm 1976, thì tôi được thầy Hoàng Đức Đạt mời về dạy tại trường Đại học Tổng hợp Huế. Trước khi vào Huế dạy trường Đại học tổng hợp, tôi đến chào tạm biệt thầy cô để trở về quê theo nghề dạy học. Lúc đó thầy Phương ôm tôi vào lòng rồi nói: “Cậu sướng quá, cậu thoả lòng mong ước rồi đấy! được về gần với mẹ già và bà con thân thuộc sau mấy chục năm trời biền biệt chia ly. Cho mình gửi lời thăm bà cụ của Trân nhé. Đến vài năm sau thầy Phương được mời vào Huế dạy thỉnh giảng cho trường ĐHTH -Huế. Những lần thầy Phương vào thỉnh giảng là sinh viên rất thích, vì kiến thức của thầy khá rộng nên thầy giảng rất hay, có chiều sâu và nhiều điều thú vị liên quan đến môn học đồng thời thầy rất quan tâm đến sinh viên nên ai cũng quý mến, ngưỡng mộ thầy cả.
Những quyển sách thầy đã đọc qua, không mấy trang không có bút tích của thầy để lại. Mỗi lần thầy NHP đi dự Hội thảo hoặc dự thuyết trình về khoa học, thầy đều chăm chú lắng nghe và đôi lúc thầy cũng cần ghi chép lại để lưu ý tham khảo, cho dù người trình bày chỉ vào loại học trò nhỏ bé của mình. Mọi ý tưởng, thông tin mới khi thầy tiếp nhận, chúng đều được xử lý, sắp xếp theo cách tư duy của thầy. Vì thế mà mọi điều thầy viết ra, dù là những điều có thể nhiều người cũng đã biết, nhưng chúng đều có những sắc thái rất riêng của NHP.
Ngày 22/3/2004, một ngày trước khi đi xa, thầycòn nhờ một người học trò cũ của mình photo quyển "Lý thuyết phạm trù" của B. Michell để thầy nghiền ngẫm. GS. NHP muốn tìm trong lĩnh vực trừu tượng nhất của toán học những phương cách để ông có thể diễn đạt được các đặc tính tinh tế nhất của thế giới vật chất.
Hình ảnh GS. NHP với mái tóc dài bạc trắng, với đôi mắt thông minh, với nét mặt đôn hậu hóm hỉnh, với dáng đi nhanh nhẹn không hề có dáng dấp của tuổi già, với cách bỡn cợt với bệnh tật của chính mình... vẫn còn in đậm trong tâm trí của bạn bè, học trò và cả những người chỉ biết thầy qua một lần được nghe thầy nói chuyện.
GS. NHP là một trong số ít người đoán trước được vận mệnh của riêng mình. GS đã nói ra điều đó một cách rất hồn nhiên, thầy đã có kế hoạch trù bị lo liệu cho lễ tang của mình. Việc phải từ giã cuộc đời được thầy hiểu đơn giản như việc tìm về nơi yên nghĩ an lạc vĩnh hằng sau một chuỗi năm tháng của cuộc đời lao động mệt mỏi trên trần thế.
Những nghiên cứu khoa học của GS. NHP có thể tạm phân làm ba lĩnh vực: Toán - Lý, Trường sinh học và Tâm linh.
Năm 1959, trong khi nền giáo dục đại học của chúng ta mới chập chững những bước đầu tiên, cơ sở vật chất, sách vở còn rất thiếu thốn, với cương vị coi sóc Khoa Vật lý, Thầy Phương đã nỗ lực hết mình, vừa tạo điều kiện để học trò học thật tốt, vừa tự mình mày mò nghiên cứu khoa học để làm gương cho thế hệ đàn em. Thầy đã lập nên nhóm nghiên cứu Vật lý lý thuyết, gồm những người tâm huyết từ các cơ sở nghiên cứu khác nhau nhưng có chung một niềm đam mê Vật lý. Nhóm này hoạt động khá đều đặn và có hiệu quả. Các thành viên trong nhóm, nhiều người đã thành danh, là những phó giáo sư, giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, viện sĩ, những trụ cột vững chắc cho các tổ chức vật lý của đất nước chúng ta.
Cũng trong thời kỳ này, Thầy NHP đã có phát kiến trong lĩnh vực nghiên cứu vật lý cơ bản. Thầy đề xuất một mô hình, trong đó không thời gian vật lý được mở rộng từ 4 thành 6 chiều và nhờ các chiều phụ, thầy đã có những kiến giải rất có sức thuyết phục về đặc trưng nội tại của các hạt cơ bản. Phát kiến này đã giúp thầy bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Luận án: "Vật chất trong không gian sáu chiều" được thầy viết một mình, và là luận án tiến sĩ đầu tiên về Vật lý của nước Việt Nam mới. Luận án này được ông bảo vệ thành công tại Liên Xô.
GS Nguyễn Hoàng Phương là tác giả của hàng loạt giáo trình và sách nghiên cứu vật lý: Cơ lý thuyết; Hoá lượng tử trên cơ sở tích hợp toán, lý, hoá; Xử lý tín hiệu rời rạc; Toán tập mờ cho kỹ sư; Lý thuyết nhóm và ứng dụng vào vật lý lượng tử... Tuy nhiên, cái nội lực tinh thần và ngọn lửa sáng tạo của GS Phương chỉ thực sự bùng lên khi ông bắt tay vào những công trình khám phá nhằm tìm hiểu cái thế giới bí ẩn và huyền diệu của con người, bắt đầu từ trường sinh học, rồi đến những triết lý học thuyết phương Đông về âm dương- ngũ hành; về Kinh Dịch mà ông coi là một khoa học siêu thống nhất có thể soi tỏ những câu hỏi muôn thuở về con người.
GS phát hiện ra một công cụ khám phá là tích hợp đa văn hoá Đông Tây, có nghĩa là liên kết những khoa học duy lý của phương Tây và minh triết của phương Đông, tìm ra những bài toán vừa có cái hiện đại, vừa có cái cổ sơ, có thể giải mã Kinh Dịch, hơn thế còn sáng chế lại Kinh Dịch vì nó đã trải qua nhiều nghìn năm không khỏi bị thất truyền.
Ngoài giảng dạy và lãnh đạo Khoa, GS NHP còn dành nhiều thời gian để viết sách và đã có rất nhiều sách chuyên khảo có giá trị như Quyển "Lý thuyết nhóm và ứng dụng vào Vật lý học Lượng tử", in khổ rộng với hơn 500 trang, hiện vẫn là quyển chuyên khảo đầy đủ duy nhất về lĩnh vực này ở Việt Nam. Quyển "Nhập môn Cơ học lượng tử - cơ sở và phương pháp (Tích hợp Toán - Lý - Hoá)", với gần 800 trang in khổ lớn, cũng là một quyển sách tham khảo rất có giá trị cho sinh viên các trường đại học. Thầy Phương cũng có quyển sách viết bằng ngôn ngữ phổ thông về A. Einstein, một quyển sách rất truyền cảm được độc giả đủ mọi lứa tuổi đánh giá cao và được tái bản nhiều lần, ngay cả sau khi GS đã qua đời.
Một lĩnh vực rất mới mẻ, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới, đó là lĩnh vực Trường sinh học, cũng được ông dành cho nhiều tâm huyết. Đây là lĩnh vực rất kỳ bí, còn xa lạ với các công cụ khoa học Toán - Lý đương thời. Hiện nay, khoa học vẫn đang kiên nhẫn xem xét và chỉ có trong tương lai xa mới hy vọng có lời phán quyết đúng đắn. Vào những năm khó khăn của thời bao cấp, khi người bạn đời thân thiết, hiểu thầy, yêu thầy và tận tuỵ vì thầy đột ngột qua đời, thầy rơi vào trạng thái hẫng hụt. Các cố gắng bấu víu vào cuộc đời thường đều không mang lại cho ông sự yên lành cần thiết về cả tinh thần lẫn vật chất. Bạn bè, đồng nghiệp đã khuyên GS đi chuyên gia châu Phi, bởi vì, lúc bấy giờ, đây là giải pháp duy nhất phù hợp với khả năng hiểu biết cuộc sống đời thường của ông. GS đã nghe lời khuyên và làm đủ mọi thủ tục cần thiết và chỉ chờ ngày lên đường. Nhưng tiếc thay, đến phút cuối ông đột ngột thay đổi quyết định. Lý do duy nhất kéo giữ GS ở lại, đó là, muốn dùng khả năng ngoại cảm của một số người để tìm tòi tài nguyên cho đất nước.
Đây là những năm tháng khó khăn nhất của cuộc đời GS. Khó khăn đó không chỉ vì vật chất thiếu thốn, mà ở ngay cả lĩnh vực tinh thần. Như đã nói ở trên, tiềm năng ngoại cảm của con người luôn là một lĩnh vực bí hiểm và rất dễ lợi dụng. Sự chân thật của GS trong cuộc sống đời thường đã mang lại cho bản thân không ít những hệ luỵ, phiền toái.
Đánh giá đúng về những đóng góp của GS. NHP trong lĩnh vực này còn cần có thời gian. Nhưng một người bạn cũ tâm huyết của ông đã nhận xét, nếu trong tương lai, tiềm năng ngoại cảm con người được chứng minh là đúng đắn, vị trí của ông trong lĩnh vực này sẽ rất lớn. Và giờ đây cánh cửa đó đã được mở ra và các nhà khoa học đang công khai nghiên cứu có tổ chức, thông báo và hội thảo…
Nếu lĩnh vực Trường sinh học tuy kỳ lạ nhưng phần nào còn có thể nhận thức được, thì lĩnh vực tâm linh, lĩnh vực mà ông say mê cho đến cuối đời, vẫn còn là bí ẩn và khó hiểu hơn nhiều, nhưng rồi dần dần qua thực tế chứng minh người ta đã tin là có thật. Là một người am tường đại số, ông luôn mong muốn tìm ra những quy luật chung nhất không chỉ của thế giới tự nhiên mà còn của thế giới tâm linh, tức là thế giới ý thức của con người. Một trong những di sản vĩ đại của người xưa trong lĩnh vực này là "Kinh dịch". GS NHP đã nhìn thấy trong "Kinh dịch" quy luật chi phối xã hội và chi phối tự nhiên, thậm chí cả quy luật sản sinh ra các chủng loại người trên hành tinh của chúng ta. Khác với những người học dịch trước đây, thường chỉ dựa vào những phán xét của người xưa để luận bàn và thêm thắt, GS NHP đọc dịch trên cơ sở liên hệ nó với quy luật của đại số học, và do đó, GS đã làm một việc chưa từng ai dám làm, đó là sắp xếp lại "Kinh dịch". Với việc tìm cỗ máy thiên cơ trong "Kinh dịch", tức là tìm ra quy luật sắp xếp thích hợp cho từng thời kỳ của 64 quẻ, ông đã chỉ ra cách dự báo có tính xác thực hơn. GS NHP khẳng định rằng: "Bài toán giải mã số thứ tự các quẻ (tự quái) là một trong những bài toán hóc búa nhất, hiểm trở nhất của Dịch lý trên cả toàn cầu và toàn lịch sử loài người, mãi cho đến nay mới bắt đầu thực hiện rõ ràng, cụ thể được. Những giải mã này cho phép khôi phục lại vị trí học thuyết siêu thống nhất phổ quát nhất về nhân văn học, và hơn nữa vị trí giao lưu văn minh vũ trụ, hội nhập vũ trụ nay mai". GS đã ghi chép những kết quả của mình trong một số cuốn sách: "Những cơ sở của Triết học phương Đông và Tập mờ, Đông và Tây", in bằng tiếng Anh, khổ lớn, dày 2000 trang (Oriental Philosophy Fundamentals and Fuzzy Set, East and West) và cuốn "Tích hợp đa văn hoá Đông - Tây cho một chiến lược giáo dục tương lai" in khổ lớn dày tới gần 1.200 trang, với các thuật ngữ vừa cổ kính vừa huyền bí mà còn lâu mới có thể hiểu và đánh giá chính xác đúng sai. Những suy tư của GS Phương trong những năm cuối đời được GS ghi chép thành 5 tập còn đang chờ để được xuất bản.
GS. Nguyễn Hoàng Phương từ giã chúng ta để đi vào cõi vĩnh hằng đã hơn 5 năm rồi (24/3/2004-2009), nhưng để hiểu và đánh giá đúng mức về con người của GS cũng như những công trình của ông, chắc chắn đòi hỏi thêm thời gian và nhiều công sức nghiên cứu kiểm nghiệm qua thực tiễn mới được chính xác, sáng tỏ.
Sự ham hiểu biết và thú say mê làm việc là những tố chất ưu việt đã được GS Phương gìn giữ cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời.
Với 77 năm trong cuộc đời trần thế, những điều GS thu nhận được trong các lĩnh vực thuộc khoa học tự nhiên và xã hội là rất đáng khâm phục. Nó chứng tỏ GS có bộ óc siêu việt mà trình độ khoa học đương đại chưa thể có phán quyết đúng sai có tính thuyết phục.
Ngoài đời GS NHP là một người lãng mạn, chơi ghi ta rất cừ, rất thích đàm đạo, thương người và sống rất có tình. Trong con người khoa học của ông là một trái tim chân thành, trung thực.
Thầy Nguỵ Như KonTum -Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã tầng nói với mọi người:
“GS Nguyễn Hoàng Phương là một nhà giáo ưu tú, được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng nhất, GS là một người thầy hào hoa, uyên bác, đầy nhiệt huyết và rất yêu thương sinh viên. Ông còn là một nhà giáo có tài năng sư phạm lỗi lạc của nước ta. Những vấn đề toán học khô khan, những lĩnh vực lắt léo của Vật lý lý thuyết, qua những lời giảng giải khúc chiết của ông, chúng trở nên sống động, hấp dẫn và vô cùng dễ nhớ. Chỉ riêng những vấn đề ông đã viết ra, in rồi hoặc chưa in, với mỗi quyển trên dưới một ngàn trang, cũng đáng để cho người đời, nhất là những người đã từng biết những khó khăn khi cầm bút, phải nghiêng mình thán phục”.


Ghi chú: Để viết bài này, tôi có tham khảo thêm một số tài liệu của nhà giáo Phạm Thúc Tuyền và nhà văn Xuân Cang (người bạn gần gũi với GS. Nguyễn Hoàng Phương) .

Chủ Nhật, 24 tháng 1, 2010

Thơ thư giãn

1. Tương truyền có một lần hai vị Đại thần Triều Nguyễn la mắng nhau, Vua Tự Đức biết được, bèn gọi Cao Bá Quát đến hỏi sự tình xảy ra thế nào, CBQ tâu như sau:
Bất tri hà!
Lưỡng tương đấu khẩu,
Bỉ viết cẩu,
Thử viết cẩu,
Bỉ thử giai cẩu,
Dĩ chí đấu ẩu.
Thần kiến thế nguy,
Thần tẩu!
2. Trong một cuộc trà dư tửu hậu, tam lão cao niên Đàm Tín Đạt hứng khởi ngâm bài vè đăng trên Tuổi trẻ cười, sợ rằng để lâu quên mất nên Mien tui tạm ghi lại đây để nhớ, ngâm rằng:
Ngày xưa như sắc như đồng,
Như đinh đóng gỗ, như rồng phun mưa,
Bây giờ như cải muối dưa,
Mười thang Minh Mạng vẫn chưa ngõng đầu.
Trãi qua mấy cuộc bể dâu
Thời oanh liệt đó còn đâu nữa mà
Mai sau về với ông bà
Ngồi sau nãi chuối ngắm gà khỏa thân.

Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Nhân cách người thầy

Ngày xuân nghĩ về nhân cách một người thầy
Bài của Vĩnh Ba

Những ngày cuối năm cũ, mọi người thường có thói quen kiểm điểm lại những bài học kinh nghiệm của năm qua rồi hoạch định một kế hoạch hành động cho năm mới. Tôi cũng vậy. Nhìn lại cuộc đời làm giáo viên, dẫu không mong phú quý hơn người, nhưng nỗi niềm mong làm trọn vai trò của mình luôn ám ảnh tâm trí tôi. “Làm sao để có thể phục vụ cực tốt cho học sinh của mình, cho cộng đồng mình đang chung sống?” là câu hỏi thường vương vấn trong trí não tôi.
Nhân đọc bài “5 trong 1” của thầy Hà Thúc Hoan đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 95, tôi quá sức mừng rỡ. Ô hay, những điều tưởng như đơn giản thế mà phải trải một đời dạy học, tác giả mới rút ra được. Âu cũng là một bài học hay nên muốn mạn đàm thêm và chia sẻ cùng các bạn.
Theo tác giả, trong một người thầy giáo gương mẫu ngoài con người sư phạm còn có 5 con người khác chung sống:
- Một học giả cần mẫn, có kiến thức sâu sắc về ít nhất là một lãnh vực
- Một tu sĩ luôn tránh xa tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, và khoái lạc vật chất.
- Một vận động viên không chuyên
- Một kịch sĩ nghiệp dư.
- Một cảnh sát viên công tâm và vô tư.
1. Đối chiếu với các bạn giáo viên mà tôi biết, con người “học giả” thường vắng bóng trong họ. Đương nhiên tôi không vơ đũa cả nắm. Có lắm bạn tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi, đi học thêm nâng cao trình độ, có sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy… Tuy vậy, rất nhiều người tự mãn với cái bằng tốt nghiệp sư phạm của mình và không hề muốn học hỏi thêm: dạy Toán thì Văn không cần biết, dạy Anh văn thì Sử Địa chẳng quan tâm. Đáng tiếc thay! Lấy một vài ví dụ để hiểu rõ hơn. Tiếng Việt ta có khoảng 40% từ Hán Việt. Một giáo viên dạy Văn khi nói đến “đại từ”, một giáo viên dạy Toán khi nói đến “đại số” họ liệu có tự hỏi từ “đại” ở đây có nghĩa gì. Và kế đó, từ “đại” có bao nhiêu nghĩa thông dụng. Giá mà họ có trong nhà cuốn “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, giá chỉ 90.000 VND nhỉ. Chừng nấy tiền và dùng cả một đời, hay hai ba đời có khi. Lắm giáo viên chỉ trọng thông tin bề rộng, các tin tức nhất thời phục vụ cho chuyện tán gẫu mà ít tìm kiếm tri thức có chiều sâu. Có giáo viên Văn chưa hề đọc hết một tập truyện của Thạch Lam trong khi nhà văn này được trích dạy trong chương trình. Thế thì làm sao mà giáo viên đó có được nhận xét về nhà văn Thạch Lam được chính xác. Giáo viên tiếng Anh thì không đọc được trọn một tác phẩm viết bằng Anh ngữ. Thiết nghĩ với một công chức ngành khác thì được nhưng người giáo viên phải có sự tìm tòi cho rốt ráo các kiến thức có tính lâu dài. Gọi là học giả chính là vì thế. Cái khó khăn nhất là lòng say mê tự tìm kiếm sự hiểu biết đều đặn, ngày càng thâm sâu hơn, không cần đến một kỳ thi, một thúc ép khách quan nào.
2. Giáo viên bây giờ không muốn làm tu sĩ. Họ thường bao biện rằng chúng tôi cũng là người như mọi cán bộ ngành khác. Họ thích được tiếng “chịu chơi”, nam uống bia như nước lạnh, thức khuya xem bóng đá,…, nữ chưng diện theo mốt, nào xe, nào điện thoại, nào áo, nào quần… rồi cũng ăn nhậu, tán phét,… để ngon hơn, hay ngon bằng thiên hạ. Và đương nhiên là hết sạch thời gian cho con người học giả nói trên hoạt động. Đôi khi nhìn một nữ giáo viên chúng ta thấy không kém gì một phụ nữ hiện đại trong phim ảnh. Làm đẹp là một thiên tính của giới nữ nhưng trong ngành ta thì cần tiết chế ở mức giản dị và khiêm nhã.
Làm thầy giáo tức chấp nhận chọn một nghề đặc biệt và phải tu như bài báo trên đã nói. Người thầy giáo phải biết từ chối những cám dỗ phù hoa của cuộc sống, chấp nhận sống bình thường, giản dị để hướng tâm lực cho công việc đầy gian nan của mình. Nỗ lực theo đuổi đời sống kinh tế cho kịp bè kịp bạn bằng nghề tay trái, hoặc dạy thêm… đã khiến nhiều giáo viên làm hư hỏng chính họ. Họ quên đi rằng vẻ đẹp của người giáo viên chính là trí huệ chứ không phải của cải vật chất mà người đó sở hữu. Làm thầy giáo tức là chấp nhận sự thua thiệt về vật chất để đổi lấy phần vượt trội về trí huệ và tinh thần.
3. Đây cũng là yếu điểm của ngành ta. Ngoại trừ tham gia một vài hội thi cấp trên tổ chức, giáo viên chỉ thích xem thể thao hơn là làm vận động viên thể thao. Mỗi kỳ có giải bóng đá là đi đâu cũng râm ran bàn tán sôi nổi, nhất là khi tình yêu bóng đá được đồng nhất với tình yêu tổ quốc. Trong khi các bàn bóng bàn, các sân vũ cầu, các bàn cờ tướng lại mốc meo trong các nhà trường. Thậm chí các công đoàn cơ sở cũng chú tâm tổ chức liên hoan nhiều hơn là trích kinh phí cho các hoạt động thể thao. Bên cạnh đó, rảnh ra nhiều người dạy thêm đến bù đầu để đua cho kịp mức sống hiện đại, người khác lại sa vào các thú vui xã hội như phần 2 đã đề cập khiến hoạt động thể thao nghiệp dư tắt nghẹn. Tiếc thay, các thầy giáo cô giáo này khi về hưu rồi, quá rảnh rổi thì mới say mê các hoạt động thể thao nói trên.
4. Một kịch sĩ thì giáo viên ta thường hay quên cái vai trò này. Họ thực hiện cho đủ 5 bước, cho hết chương trình, cho khỏi cháy giáo án là chủ yếu. Tôi đã đi dự giờ nhiều bạn đồng nghiệp. Họ rất tất bật, và lớp học hầu như thiếu đi một chút hài hước, tươi vui. Xem băng hình các giờ mẫu cũng vậy. Cả thầy lẫn trò cật lực lao động, tuyệt nhiên không một chút “têu tếu” xảy ra để làm không khí học tập tươi mát một tí. Một nét nghệ sĩ của người thầy sẽ tác động rất nhiều lên tâm thái học tập của học trò. Những câu chuyện nho nhỏ, những bài hát ngắn mà các thầy cô chèn vào tiết học không chỉ làm không khí sôi động mà còn là những bài học để đời cho các học sinh của họ.
5. Vai trò người cảnh sát vô tư cũng dễ bị bỏ qua. Lí do là những chỉ tiêu lên lớp, duy trì số lượng còn đè nặng lên giáo viên. Có hai phương châm được đề cập nhiều là ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ và ‘Dạy người trước, dạy chữ sau’ nhưng cả hai lại ít được thực hiện. Nhiều thầy cô giáo bây giờ quá dễ tính, quên đi nhiệm vụ uốn nắn, sửa chửa những sai sót của học sinh. Một học sinh quay cóp bài bây giờ thì tương lai sẽ là một công dân xấu trong xã hội. Tình trạng bạo lực học đường, hay suy thoái đạo đức ở học sinh đã được nhiều báo chí đề cập. Phải chăng bắt nguồn từ một số lơi lỏng của giáo viên. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy có nhiều hạn chế khác khiến các giáo viên dẫu muốn nghiêm khắc cũng không được. Âu đó cái khó của ngành ta.
Nói chung lại, không phải tất cả mọi giáo viên đều thiếu sót như một vài dẫn chứng trên. Rất nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đã được các Sở GD trong nước giới thiệu cho chúng ta thấy rằng họ là những giáo viên rất xứng đáng. Tuy vậy, cần tâm niệm rằng trong mỗi giáo viên cần có 5 con người nói trên chung sống, chúng ta cần tự soi xét bản thân mình, cố gắng tạo điều kiện cho 5 con người trên phát triển, thiếu phần nào chúng ta bù đắp phần nấy thì chúng ta sẽ đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Mùa Xuân mới, con người mới. Học tập chẳng bao giờ là muộn đối với bất cứ ai. Mong vậy thay.
Tháng 01.2010

Thứ Năm, 7 tháng 1, 2010

Gọi em

Thơ Nguyên Sa
tặng Ðỗ Long Vân

Một buổi sáng tỉnh dậy không thấy em tôi
chạy ra cửa sổ gọi tên em rất to. Những tiếng kêu
thất thanh vang trên hè phố.

Tôi nghĩ thầm: nếu còn làm vua ở một triều đình
thịnh trị thời xưa tôi sẽ không ngại ngần
mặc mũ áo cân đai đứng giữa cửa thành
bắc loa mời em về làm hoàng hậu.

Tôi bảo rằng: em phải về ngay.
Nếu em là gió tôi sẽ làm trăng.
Em là trăng tôi sẽ là mây
Nếu em là mây, tôi sẽ làm gió thổi.

Còn nếu em là chân trời xa
tôi sẽ làm cánh chim bằng rong ruổi
Em là mặt trời thì ở trên đường xích đạo
tôi sẽ muôn đời làm một kiếp hướng dương.

Tôi bảo rằng : em phải về ngay,
Nếu e ngại tâm hồn còn bé dại,
tôi sẽ hoá thân làm một cậu bé học trò
không bao giờ thuộc bài vì mải mê đọc tên người yêu
từ sáng đến chiều, từ đêm đến sáng.

Thiên hạ sẽ thái bình .
Ðời sẽ giải chiếu hoa cho trăm vạn hùng binh
ngồi đánh cờ chiếu tướng
Ðời sẽ thiết lập những kỳ thi có đủ phép tắc trường quy.
Tôi được tước phong chủ hội đồng kiêm giám khảo
và bao nhiêu người ứng thi đều trúng tuyển hạng ưu.

Tôi không còn nằm mơ ngồi câu cá bên bờ sông Ngân
nước trong vời vợi suốt cả tháng bảy trời mưa
và linh hồn tôi chết đuối.

Tôi cũng không còn phải âm mưu làm một
cuộc cách mạng dài vô hạn
để nhuộm màu cờ vũ trụ bằng màu tóc em,
còn bao nhiêu đại lộ, công trường tôi không phải
hạ hết biển đề tên phố mà viết lên:
hỡi người yêu, tôi chờ đợi !

Tôi cũng không phải hỏi rừng,
để rừng bảo hỏi cây.
Cây khuyên hỏi lá.
Lá bảo hỏi chim muông.
Tôi nhìn quanh tôi những cánh quạ đen cười riễu cợt.

Tôi không phải ước ao lên sơn lâm là một loài thảo khấu<
cướp của khách vãng lai
những bức thư tình đem lên núi cao đọc to
cho giun dế nghe để chia nỗi niềm cô độc.

Tôi cũng không phải bỏ trốn - như sáng hôm nay -
ra giữa trùng dương để làm một gã thủy thủ già
lái tầu theo kim chỉ nam mà chỉ thấy toàn rượu ngọt.