Thứ Bảy, 23 tháng 1, 2010

Nhân cách người thầy

Ngày xuân nghĩ về nhân cách một người thầy
Bài của Vĩnh Ba

Những ngày cuối năm cũ, mọi người thường có thói quen kiểm điểm lại những bài học kinh nghiệm của năm qua rồi hoạch định một kế hoạch hành động cho năm mới. Tôi cũng vậy. Nhìn lại cuộc đời làm giáo viên, dẫu không mong phú quý hơn người, nhưng nỗi niềm mong làm trọn vai trò của mình luôn ám ảnh tâm trí tôi. “Làm sao để có thể phục vụ cực tốt cho học sinh của mình, cho cộng đồng mình đang chung sống?” là câu hỏi thường vương vấn trong trí não tôi.
Nhân đọc bài “5 trong 1” của thầy Hà Thúc Hoan đăng trên tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 95, tôi quá sức mừng rỡ. Ô hay, những điều tưởng như đơn giản thế mà phải trải một đời dạy học, tác giả mới rút ra được. Âu cũng là một bài học hay nên muốn mạn đàm thêm và chia sẻ cùng các bạn.
Theo tác giả, trong một người thầy giáo gương mẫu ngoài con người sư phạm còn có 5 con người khác chung sống:
- Một học giả cần mẫn, có kiến thức sâu sắc về ít nhất là một lãnh vực
- Một tu sĩ luôn tránh xa tiền bạc, sắc đẹp, danh vọng, và khoái lạc vật chất.
- Một vận động viên không chuyên
- Một kịch sĩ nghiệp dư.
- Một cảnh sát viên công tâm và vô tư.
1. Đối chiếu với các bạn giáo viên mà tôi biết, con người “học giả” thường vắng bóng trong họ. Đương nhiên tôi không vơ đũa cả nắm. Có lắm bạn tham gia các kỳ thi giáo viên giỏi, đi học thêm nâng cao trình độ, có sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy… Tuy vậy, rất nhiều người tự mãn với cái bằng tốt nghiệp sư phạm của mình và không hề muốn học hỏi thêm: dạy Toán thì Văn không cần biết, dạy Anh văn thì Sử Địa chẳng quan tâm. Đáng tiếc thay! Lấy một vài ví dụ để hiểu rõ hơn. Tiếng Việt ta có khoảng 40% từ Hán Việt. Một giáo viên dạy Văn khi nói đến “đại từ”, một giáo viên dạy Toán khi nói đến “đại số” họ liệu có tự hỏi từ “đại” ở đây có nghĩa gì. Và kế đó, từ “đại” có bao nhiêu nghĩa thông dụng. Giá mà họ có trong nhà cuốn “Hán Việt từ điển” của Đào Duy Anh, giá chỉ 90.000 VND nhỉ. Chừng nấy tiền và dùng cả một đời, hay hai ba đời có khi. Lắm giáo viên chỉ trọng thông tin bề rộng, các tin tức nhất thời phục vụ cho chuyện tán gẫu mà ít tìm kiếm tri thức có chiều sâu. Có giáo viên Văn chưa hề đọc hết một tập truyện của Thạch Lam trong khi nhà văn này được trích dạy trong chương trình. Thế thì làm sao mà giáo viên đó có được nhận xét về nhà văn Thạch Lam được chính xác. Giáo viên tiếng Anh thì không đọc được trọn một tác phẩm viết bằng Anh ngữ. Thiết nghĩ với một công chức ngành khác thì được nhưng người giáo viên phải có sự tìm tòi cho rốt ráo các kiến thức có tính lâu dài. Gọi là học giả chính là vì thế. Cái khó khăn nhất là lòng say mê tự tìm kiếm sự hiểu biết đều đặn, ngày càng thâm sâu hơn, không cần đến một kỳ thi, một thúc ép khách quan nào.
2. Giáo viên bây giờ không muốn làm tu sĩ. Họ thường bao biện rằng chúng tôi cũng là người như mọi cán bộ ngành khác. Họ thích được tiếng “chịu chơi”, nam uống bia như nước lạnh, thức khuya xem bóng đá,…, nữ chưng diện theo mốt, nào xe, nào điện thoại, nào áo, nào quần… rồi cũng ăn nhậu, tán phét,… để ngon hơn, hay ngon bằng thiên hạ. Và đương nhiên là hết sạch thời gian cho con người học giả nói trên hoạt động. Đôi khi nhìn một nữ giáo viên chúng ta thấy không kém gì một phụ nữ hiện đại trong phim ảnh. Làm đẹp là một thiên tính của giới nữ nhưng trong ngành ta thì cần tiết chế ở mức giản dị và khiêm nhã.
Làm thầy giáo tức chấp nhận chọn một nghề đặc biệt và phải tu như bài báo trên đã nói. Người thầy giáo phải biết từ chối những cám dỗ phù hoa của cuộc sống, chấp nhận sống bình thường, giản dị để hướng tâm lực cho công việc đầy gian nan của mình. Nỗ lực theo đuổi đời sống kinh tế cho kịp bè kịp bạn bằng nghề tay trái, hoặc dạy thêm… đã khiến nhiều giáo viên làm hư hỏng chính họ. Họ quên đi rằng vẻ đẹp của người giáo viên chính là trí huệ chứ không phải của cải vật chất mà người đó sở hữu. Làm thầy giáo tức là chấp nhận sự thua thiệt về vật chất để đổi lấy phần vượt trội về trí huệ và tinh thần.
3. Đây cũng là yếu điểm của ngành ta. Ngoại trừ tham gia một vài hội thi cấp trên tổ chức, giáo viên chỉ thích xem thể thao hơn là làm vận động viên thể thao. Mỗi kỳ có giải bóng đá là đi đâu cũng râm ran bàn tán sôi nổi, nhất là khi tình yêu bóng đá được đồng nhất với tình yêu tổ quốc. Trong khi các bàn bóng bàn, các sân vũ cầu, các bàn cờ tướng lại mốc meo trong các nhà trường. Thậm chí các công đoàn cơ sở cũng chú tâm tổ chức liên hoan nhiều hơn là trích kinh phí cho các hoạt động thể thao. Bên cạnh đó, rảnh ra nhiều người dạy thêm đến bù đầu để đua cho kịp mức sống hiện đại, người khác lại sa vào các thú vui xã hội như phần 2 đã đề cập khiến hoạt động thể thao nghiệp dư tắt nghẹn. Tiếc thay, các thầy giáo cô giáo này khi về hưu rồi, quá rảnh rổi thì mới say mê các hoạt động thể thao nói trên.
4. Một kịch sĩ thì giáo viên ta thường hay quên cái vai trò này. Họ thực hiện cho đủ 5 bước, cho hết chương trình, cho khỏi cháy giáo án là chủ yếu. Tôi đã đi dự giờ nhiều bạn đồng nghiệp. Họ rất tất bật, và lớp học hầu như thiếu đi một chút hài hước, tươi vui. Xem băng hình các giờ mẫu cũng vậy. Cả thầy lẫn trò cật lực lao động, tuyệt nhiên không một chút “têu tếu” xảy ra để làm không khí học tập tươi mát một tí. Một nét nghệ sĩ của người thầy sẽ tác động rất nhiều lên tâm thái học tập của học trò. Những câu chuyện nho nhỏ, những bài hát ngắn mà các thầy cô chèn vào tiết học không chỉ làm không khí sôi động mà còn là những bài học để đời cho các học sinh của họ.
5. Vai trò người cảnh sát vô tư cũng dễ bị bỏ qua. Lí do là những chỉ tiêu lên lớp, duy trì số lượng còn đè nặng lên giáo viên. Có hai phương châm được đề cập nhiều là ‘Tiên học lễ, hậu học văn’ và ‘Dạy người trước, dạy chữ sau’ nhưng cả hai lại ít được thực hiện. Nhiều thầy cô giáo bây giờ quá dễ tính, quên đi nhiệm vụ uốn nắn, sửa chửa những sai sót của học sinh. Một học sinh quay cóp bài bây giờ thì tương lai sẽ là một công dân xấu trong xã hội. Tình trạng bạo lực học đường, hay suy thoái đạo đức ở học sinh đã được nhiều báo chí đề cập. Phải chăng bắt nguồn từ một số lơi lỏng của giáo viên. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thấy có nhiều hạn chế khác khiến các giáo viên dẫu muốn nghiêm khắc cũng không được. Âu đó cái khó của ngành ta.
Nói chung lại, không phải tất cả mọi giáo viên đều thiếu sót như một vài dẫn chứng trên. Rất nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo tiêu biểu đã được các Sở GD trong nước giới thiệu cho chúng ta thấy rằng họ là những giáo viên rất xứng đáng. Tuy vậy, cần tâm niệm rằng trong mỗi giáo viên cần có 5 con người nói trên chung sống, chúng ta cần tự soi xét bản thân mình, cố gắng tạo điều kiện cho 5 con người trên phát triển, thiếu phần nào chúng ta bù đắp phần nấy thì chúng ta sẽ đóng góp nhiều cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Mùa Xuân mới, con người mới. Học tập chẳng bao giờ là muộn đối với bất cứ ai. Mong vậy thay.
Tháng 01.2010