Thứ Ba, 16 tháng 2, 2010

BMT Xuân 30 năm trước

Bài của Võ Phước đăng trên báo Đời sống & Pháp luật

Vào những ngày này, thời gian cứ mãi vang lên nhịp gõ thanh âm: Tết Canh Dần đến từng giây! Đất trời và con người, tổ tiên và con cháu, quá khứ và hiện tại giao hòa, mỗi năm diễn ra chỉ có một lần... Trước thời khắc này, dường như ai cũng bị không khí hối hả hiếm hoi này cuốn hút, nên tự nhủ với lòng: Hãy gắng lên! Vì luôn gắn kết hơi thở với cuộc sống, tất thảy đều đua với thời gian. Những chuyến xe chở đầy hàng hóa muôn ngã tuôn về nườm nượp. Những con đường, phố phường, cây cỏ hoa lá... đang khoác chiếc áo mới, chuẩn bị cho mình tư thế sang xuân.

Tôi nhớ lắm cái tết đầu tiên nếm vị buồn thương lần đầu tiên ăn tết xa quê. Cảm thông nhiều hơn cho những ai đã từng nếm trải. Dạo ấy đến xuân này ngót nghét 30 năm trôi qua. Thời ấy, những năm 1979, 1880... Buôn Mê Thuột, Đăk Lăk chỉ nghe đến cái tên không thôi, ở đồng bằng nhiều người đã rùng mình, chắc lưỡi: Khiếp, rừng thiêng nước độc, sốt rét vàng da! Thế hệ của chúng tôi là lớp người từ miền xuôi lên Tây Nguyên nhận nhiệm sở. Hơn được nhiều nơi ở chỗ chiếc thẻ “giáo viên ưu tiên” cứ mỗi năm một lần, chúng tôi mang ra sử dụng cho việc mua vé tàu xe chuyến nghỉ hè, không phải sắp hàng “ăn chầu ở chực”. Ai bảo thế hệ của chúng tôi, những trí thức tình nguyện lên Tây Nguyên, mang văn minh, văn hóa thắp sáng vùng cao. Hoặc ai đó cho rằng chúng tôi ra đi nuôi trong lòng ý tưởng tìm vùng đất màu mỡ tiện thể mưu sinh. Cái thời buổi người ta nói kiểu nào cũng đúng: “Mười bốn cũng ừ, mười tư cũng gật”! Ngoài giờ công tác, hầu như anh em chúng tôi quay về chăm chút gốc bí, gốc bầu, vườn cây, thửa lúa... Lo lắng giải quyết chuyện đói chuyện no nhiều hơn là bàn chuyện họp hành.

Đêm giao thừa, khai bút đầu xuân anh em thường có những vần thơ mang dáng dấp chung đó là nỗi niềm riêng tây:

Vườn mơ hoa vài đốm
Tiễn em lệ đôi hàng
Đường trần tuôn bụi đỏ
Nghe xuân về lang thang

“Bụi mù trời”, “buồn muôn thuở”... cái tên một thời gây dấu ấn ghét hoặc thương đối với vùng đất Ban Mê thời ấy. Bây giờ mấy ai còn nhớ, nhắc lại để làm gì. Thế hệ sau này cũng không ít người biết đến. Do lớp bụi thời gian làm quên, do mai một tình yêu... chắc chắn nhiều hơn trước sự đổi thay. Chẳng để bụng làm gì, quan niệm sống, quan niệm về thẩm mỹ thời ấy hãy còn công thức, sơ lược, méo mó lắm. Có điều “thế thái nhân tình” thời nào cũng có nhưng không ra mặt thách đố như bây giờ. Ăn, mặc, đi lại phó mặc cho tiêu chuẩn, chế độ... “cá đối bằng đầu” ai cũng như ai. Cốt sao hằng ngày đảm bảo được hai vấn đề cốt yếu:“An chắc mặc bền”. Người ta không chú trọng đến trồng hoa làm đẹp nơi công sở, công cộng như bây giờ. Đường sá phố xá nhếch nhác, những vườn khoai, bắp, đậu ung dung chạy dài đến tận phố, mùa khô nổi gió, thốc mạnh khiến bụi mịt mù.

Những ngày xuân ở Buôn Ma Thuột, đường phố vắng hoe vì nơi phố xá hầu như đâu đâu cũng cửa hàng Hợp tác xã, cửa hàng Thương nghiệp, Quốc doanh... Độc quyền mua bán nên chỉ mở cửa hoạt động vào giờ hành chính, tối đến nhà nối nhà im lìm, không người qua lại, không đèn đóm. Thêm vào đó, các gia đình là hộ dân nếu không tham gia họp hành, sau một ngày cực nhọc trên nương rẫy, họ chỉ có mỗi việc tranh thủ ngủ lấy sức. Không bất kỳ một cá thể nào được đường chính chính mua bán. Lúa và các mặt hàng nông sản khác đều quản lý nghiêm ngặt. Các mặt hàng nhu yếu phẩm lại càng không có bán mà mua. Tết đến cán bộ công nhân viên được mua nếp, đậu xanh với một mức độ định lượng, vì lượng hàng được phân phối quá ư là ít ỏi, chật vật nên nhiều người nhường lại tiêu chuẩn này cho một người mua!

Anh em chúng tôi dựa vào nhau, lấy lối sống tập thể mà an ủi, bông đùa. Những “yên hùng” như Nguyễn Đức Kim Long, Phùng Văn Bê, Lê Bá Long, Võ Văn Hùng Anh... Sau những giờ làm việc, chúng tôi quây quần bên nhau, vài củ khoai, con mối rang lên củng đủ gây nên không khí chân tình. Long ôm đàn hát say sưa bài hát tự sáng tác: “Ai nói xứ này buồn muôn thuở/ Riêng tôi, tôi bảo “Bao Mến Thương”/ Sao thế? Có điều gì không rõ/ Hay vì em mà tôi vấn vương!...”

Buôn Ma Thuột bây giờ đã là thành phố, cuộc sống khác xưa. Nhà hàng, khách sạn sang trọng lộng lẫy sắc màu, nườm nượp người là người. Cứ đến “điểm hẹn”, lễ hội được bày ra, thu hút khách thập phương… Đường phố muôn loài hoa khoe sắc hương. Vườn hoa thực, đầy hoa không còn vườn trong mơ “hoa vài đốm”. Nhớ lại xuân cách nay đã 30 năm, lòng xốn xang bùi ngùi nhớ lại năm tháng cũ đã qua, những người bạn cùng thời đã vội vã bỏ anh em mà đi, để lại dăm ba câu thơ đau nhói tim gan: Đi trong phố hẹp âm thầm/ Chiều ba mươi tết hương trầm nhà ai... / Bây chừ con vẫn xứ người/ Nhớ ơn cha mẹ một đời vì con. Yêu quí những câu thơ thốt lên tự nhiên bên ly rượu đêm giao thừa, ôi sao mà giàu nhân tính... Ôn chuyện xưa để thấy nắng xuân đang xua đuổi đông tàn, ru lòng theo cốc rượu chúc xuân:

Tin xuân lóng ngóng hiên ngoài
Tàn đông cất gót muộn rồi về thôi
Ngày xuân mắc võng ngang trời
Nghe mây vô định ru lời vô ngôn