Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Bùi Giáng - Đi về với gió du côn

Bài viết của Đinh Cường - MN trích đăng từ Blog Tran Phan
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào
(Chào nguyên xuân, Mưa Nguồn. BG)
Bước ai đi vào, hay bước chân rất nhẹ của Bùi Giáng. Và nói về anh nữa có là sai.
“Họ Bùi tuổi Cọp hút heo, Vèo bay khói thuốc mốc meo linh hồn” (Chào mừng Sài gòn 1989. Thơ Bùi Giáng, trang 56, Việt Thường, Canada, xb1990). Như vậy anh sinh năm Dần, mất cũng năm Dần …(1)
Sách báo bài viết đã quá nhiều, cứ góp thêm từng kỷ niệm, nhớ anh những ngày xưa, cũ. Năm 1989, những ngày tôi bận rộn dọn dẹp xưởng vẽ trong con hẻm nhỏ đường Nguyễn đình Chiểu, Tân Định để cùng gia đình đi Mỹ, không biết linh tính thế nào, anh Bùi Giáng ngày nào cũng ghé chơi. Sáu giờ sáng đã đến kêu cửa. Đi xích lô từ Gia Định qua và kêu tôi ra trả tiền. Anh thường dậy và đi thật sớm. Bốn năm giờ sáng đi, cho đến chín mười giờ tối trở về căn chòi ở góc vườn nhà người cháu đường Lê quang Định, Gia Định. Một căn chòi khoảng hai thước vuông,vách ván, vá víu thêm những miếng các tông thùng. Bên trong chỉ cái giường gỗ duy nhất, quanh năm treo mùng, chiếc mùng trắng cũ ngã màu vàng ố. Quanh phòng đầy giấy vụn, áo quần, giày cũ đủ loại, mỗi thứ một chiếc khác nhau, anh đi lượm về. Một ngọn điện vàng, một cây đèn dầu, những chiếc bị lác xơ xác, cái mũ, chiếc nón lá rách và vài ba quyển sách cũ… Quyển Lễ Hội Tháng Ba là quyển anh giữ bên người lâu nhất, anh ghi đủ thứ, trên mỗi ngày rong chơi phố thị. Anh tặng tôi quyển sách ấy rồi sau đòi lại…

Anh đã ở qua rất nhiều nơi, những năm 1960, đường Phan thanh Giản, nhà cháy, về đường Trương tấn Bửu, có lúc ở trong Đại học Vạn Hạnh. Thời kỳ này anh vẽ nhiều tranh bột màu trên giấy, có khi là bút chì sáp, nhiều nhất là bút bi. Đã triển lãm tranh bột màu lần duy nhất tại nhà sách Albert Portail (về sau là nhà sách Xuân Thu, đường Đồng Khởi, Sài Gòn).
Sau 1975, anh về nhà người cháu như kể trên. Đây là một xóm rộng, nhiều ngõ ngách, nhiều cây xanh im mát của vùng Gia Định. Xóm này là nơi anh đi về thân quen, đám trẻ nít hay chạy giỡn múa may theo anh. Trước khi về nhà, anh thường ghé quán tạp hoá đầu ngõ mua các thứ linh tinh hay uống ly rượu đế. Thích nhất là quán cô Thu ở gần nhà anh sâu trong ngõ, vì cô Thu hay bênh vực khi anh bị đám trẻ nít theo chọc phá. Bạn đến thăm là rủ đến đó uống bia hơi, bia lên men, rượu đế với vài gói đậu phụng, hút thuốc cho đến đoạn tàn – mẫu thuốc tàn vất xuống là anh lượm để dành. Anh thích vậy. Đi ăn hủ tiếu mì thì thích ngồi chồm hổm, ăn thịt trước rồi mới ăn xác, và húp cạn nước sau. Hỏi vì sao khi nào cũng lượm thịt ăn trước thì anh nói ăn cái ngon trước, lỡ nửa chừng chết sao …Chỗ anh hay ghé nhất là quán cà phê Huy Tưởng (2) ở ngã ba đường Trần quang Khải và Bà Lê Chân, cạnh chợ Tân Định, đứng múa may, chỉ đường ở đó. Làm gì quá lắm, chỉ có chị Bình (anh gọi là Thánh Nữ muôn vàn), vợ anh Huy Tưởng ra nói thì anh mới chịu nghe. Mỗi lần chở Honda cho anh đi là rất sợ, ngồi sau cứ múa may, đứng lên ngồi xuống rất nguy hiểm. Thường chở anh ghé nhà Hải Phương (3) và chị Quận đường Nguyễn thiện Thuật, Bàn Cờ, và nhà vợ chồng em trai Phạm công Thiện ở hẻm bên hông Đại học Vạn Hạnh. Có khi nhờ chở đi nhận tiền của bà con anh ở nước ngoài gởi về nơi nhà người quen. Thời còn thịnh hành truyện Kim Dung đăng hằng ngày trên các nhật báo Sài Gòn, Bùi Giáng đã đón đọc bằng tiếng Tàu những bài báo mới nhất từ Hồng Kông gởi qua. Đã dịch Kim Kiếm Điêu Linh của Ngọa Long Sinh, Võ Tánh xb 1967. Anh còn là dịch giả tài hoa nhất những tập truyện của Saint Exupery, Albert Camus, André Gide, Gerard de Nerval (Hoàng Tử Bé, Cõi Người Ta, Ngộ Nhận, Khung Cửa Hẹp, Mùi Hương Xuân Sắc…). Năm 1972, Thượng Tọa Thích Nhất Hạnh có ý kiến làm tập Dialogue, đối thoại với các nhà văn, nhà thơ, nhà tư tuởng ở các nước Tây Phương đang ảnh hưởng đến văn học Việt Nam lúc bấy giờ. Thầy Nhất Hạnh nhờ Bùi Giáng viết lời mở đầu – avant-propos ¬- phần bên trong gồm nhiều tác giả viết như Phạm công Thiện viết cho Henry Miller, Vũ hoàng Chương, Tam Ích, Hồ hữu Tường viết cho Jean-Paul Sartre, Simone Weil…Duy nhất có Bùi Giáng viết cho nhà thơ lớn của Pháp là René Char, được chính René Char hồi âm, kèm theo những tập thơ với lời đề tặng trang trọng và quý mến. Bùi Giáng viết rất mông lung mà đã đi vào trái tim của người thi sĩ muôn trùng cách biệt …Năm 1965 cháy nhà, bị mất biết bao sách quý, trong đó có sách của Albert Camus, René Char đề tặng Bùi Giáng, ít ai có được.

Vui thôi mà, ba chữ mà chúng ta hay nói với nhau ngày nay…là từ Bùi Giáng đã nói với Mai Thảo (4) những năm bảy mươi khi ông [cùng với Nguyễn Xuân Hoàng] làm ở toà soạn tạp chí Văn ở Sài Gòn, nhân Mai Thảo hỏi Bùi Giáng vì sao suốt ngày rong chơi mà viết và làm thơ nhiều đến vậy…Nhiều lần ghé toà soạn, Mai Thảo kể: “Một vài lần khác, chúng tôi đi ra ngoài một lát trở về, thấy ông nằm ngủ ngon lành trên hai cái bàn dài kê liền lại. Giấc ngủ dài, quên đời, quên hết, mặc hết, phải đánh thức dậy. Những lần đó, ông ngồi dậy im lặng, bất động, thì thầm câu Vui thôi mà, vui thôi mà, rồi lặng lẽ bỏ đi, cái bóng dáng gầy đỗ, gầy guộc trong chiều xuống.” (Văn, số 26.tháng 8.1984, California. Một vài kỷ niệm với Bùi Giáng).
Về sách thì phải kể đến nhà xuất bản An Tiêm của Thầy Thanh Tuệ (5), cuối năm 1969 và những năm 1970 gần như là dành riêng in sách Bùi Giáng, bìa và nội dung được chăm sóc kỷ lưỡng. Nhà xuất bản An Tiêm ở đường Lý thái Tổ, Sài Gòn, cũng là nơi họp bạn bè văn nghệ, mỗi lần có sách mới in xong. Ở đó tôi đã gặp Bửu Ý, Nguyễn đức Sơn, Phạm công Thiện …và Bùi Giáng. Chúng tôi ngồi trên căn gác nhỏ thoáng mát ăn nhậu và các vị luôn cãi nhau đủ thứ chuyện …rồi lại ngồi im nghe những dĩa nhạc cổ điển cỡ lớn, là sưu tập riêng rất quý của Thanh Tuệ. Sau 75 phải đem bán chợ trời thật uổng. Nhân nhắc Bửu Ý, có thể nói là người cùng đi bộ với Bùi Giáng dài đường nhất, đi từ Sài Gòn vô Chợ Lớn thường xuyên. Những năm 60 Bửu Ý từ Huế vào làm báo Mai của Hoàng minh Tuynh, người đã cùng với Huỳnh văn Lang làm tờ Bách Khoa những năm khởi đầu.
Bùi Giáng đặc biệt mê tranh Chagall dù cuộc đời anh khốc liệt không kém Van Gogh, trong tập thơ Ngàn Thu Rớt Hột, Lá Cồn xuất bản năm 1963, có hai bài: Marc Chagall, Lý Bạch và Chagall. Bài Marc Chagall, năm 1973 in lại trong Bài Ca Quần Đảo, nhà xuất bản Nguyễn đình Vượng, anh đề tặng Nguyễn sỹ Tế (6). Đọc lại, thấy thơ anh đôi khi là một vẻ đẹp huyền bí, thơ mộng:
Buổi về đắm lụy điêu linh
Còn nguyên xứ sở mang hình chiêm bao
Máu se tàn lạnh điệu chào
Trên đầu phố lạ vẽ màu quê chung
(Marc Chagall, Ngàn Thu Rớt Hột, trang 39)
Anh thường la cà đến chỗ vẽ của Đỗ quang Em, khi nào cũng ghé tôi cùng đi. Lần Trịnh công Sơn, Đỗ quang Em và tôi bày tranh chung tại Nhà Hữu Nghị Tiệp Khắc, từ 14 đến 24 tháng giêng 1989 (trước 1975 là Alliance Francaise, đường Gia Long, Sài Gòn. Nơi này, Hội Họa Sĩ Trẻ chúng tôi thường mượn để họp và bày tranh. Nhớ nhất là Chú Tư, luôn cầm chiếc khăn trắng lau mấy chiếc ly thuỷ tinh ở quầy rượu). Buổi bế mạc phòng tranh anh ghé đến đòi uống whisky, say quá phải đưa anh về xưởng vẽ tôi nghỉ. Sẵn giấy màu anh cao hứng tự vẽ chân dung mình …thật đã.
Hai người bạn ở nước ngoài về rất mê anh là Ngô văn Quế (Ngô văn Tao) ở Canada, Nguyễn chí Trung ở Đức. Trong tập thơ Mây, xuất bản tại Montreal, Canada, 1988, Ngô văn Tao đã viết: “Nhưng một hai trăm năm nữa, thời đại của chúng ta có nhiều nước mắt, có nhiều chờ đợi, sẽ chỉ còn là một gợn sóng trong muôn ngàn gợn sóng của lịch sử. Khi những công trình zù bằng đá hoa sẽ đi vào hoang phế để lại mấy vụn xương khô, thì thơ văn của Bùi Giáng sẽ tồn tại trong sử sách” (Bùi Giáng thi nhân, trang 180). Nguyễn chí Trung làm hàng trăm bài thơ lục bát mang âm hưởng Bùi Giáng …
Bùi Giáng rất chí tình với bạn bè, ngày Thanh Tâm Tuyền (nhà thơ nổi tiếng trong nhóm Sáng Tạo, đã mất tại thành phố Saint Paul, Minnesota ngày 22.3.2006, thọ 70 tuổi) từ trại cải tạo về, một buổi sáng sớm, đã thấy Bùi Giáng đến thăm, mặc dầu anh ở trong ngõ khó tìm. Bùi Giáng có trí nhớ rất tốt, hang cùng ngõ hẻm nào anh cũng tìm ra.
Trong trại cải tạo Long Giao năm 1976, Thanh tâm Tuyền đã làm bài thơ Xuân đề tặng BG:
Vẫn thấy trong mơ đời trở giấc
Cỏ cây rù quyến gió hoang đàng
Trời xanh cao vút giếng nước ngọc
Đất hiền thở hương nắng thênh thang.
(Thanh tâm Tuyền, Thơ ở đâu xa, Trầm phục Khắc xuất bản, California, 1990)

Gió hoang đàng của Thanh Tâm Tuyền và Đi về với gió du côn của Bùi Giáng, theo tôi là hai ngọn gió chướng, mang ngôn ngữ ảo diệu, là hồn thơ mở phơi hào hứng một thời của Saint-John Perse, Yves Bonnefoy:
Đi về với gió du côn
Mở giông bão xuống cõi tồn sinh phai
Mép rìa vòm cỏ hương bay
Mở trang nhảy múa trên ngày phù du …
(Đi Về VII, Thơ Bùi Giáng, Việt Thường xuất bản, Canada 1990)
Bùi Giáng, anh đã nhảy múa trên tháng ngày phù du, cho đến khi ngã quỵ, hôn mê…từ giã cõi đời ngày 7 tháng 10 năm 1998. Anh đã: “…Tận hiến hết cả đời mình cho Duy-nhất Thơ-ca, từ buổi sơ ngộ đầu đời cho đến những giây phút cuối cùng về với chốn lâm chung. Tận hiến mà không hề nhận lại một sự bù đắp nào đối đãi nào của nhân thế, trút gửi hết thảy xương máu và hồn phách, lưu lại ở đời như vay tạm một hình cốt mong manh bi thiết và mộng mị. Với riêng tôi, hình ảnh đắm chìm của tận hiến hung hiểm đó chính là một tượng đài vĩ đại đến khủng khiếp của Thiên tài thơ Bùi Giáng …”
(Lời đọc trước mộ của nhà thơ Huy Tưởng)
Hình ảnh Bùi Giáng có thể là một tượng đài vĩ đại, nhưng chỉ ước mong sao có một tượng chân dung nhỏ của anh trong một góc công viên, hay sân chùa nào đó ở Sài Gòn, Gia Định hay Đà Nẵng, để chúng ta không còn thấy anh “nhe răng cười trong bóng tối” và để đôi khi khách du lịch còn được giới thiệu: tượng chân dung một nhà thơ kỳ lạ nhất Việt Nam.
Virginia, 12.2009
(1) Tiểu Sử Bùi Giáng có thể xem bài:
- Đặng Tiến - Sơ thảo tiểu truyện Bùi Giáng – có công phu xác minh rõ ràng nhất
- Bùi Giáng, Tiểu sử tự ghi (in lại trong Bùi Giáng trong cõi người ta, nhà xuất bản Lao Động. Trung Tâm Văn Hoá Ngôn Ngữ Đông Tây. Hà Nội 9.2008)
Các bài viết cuả những tác giả trong gia đình Bùi Giáng:
- Bùi công Luân: Chị và Anh.
- Bùi văn Vịnh: Về Bùi Giáng (bài nói tại Ngày Hội Thi Văn và Tư Tưởng Bùi Giáng -
California, 21.10.1995).
- Bùi văn Nam Sơn: Vài nét về Bùi Giáng.
(Chớp Biển .Thơ Bùi Giáng . Gia đình kỷ niệm 70 năm sinh, Sài Gòn – Anaheim – Koln -1996).
(2) Huy Tưởng, nhà thơ, hiện nay có quán ăn FaiFo, đường Huỳnh tịnh Của,Tân Định, Sài Gòn.
(3) Hải Phương, nhà thơ, San José – California.
(4) Mai Thảo, 1956 chủ trương biên tập tạp chí Sáng Tạo 1974, chủ trương tạp chí Văn. Mất ngày 10.1.1988, California.
(5) Thanh Tuệ, cùng gia đình sống tại Pháp, mất năm 2006, California.
(6) Nguyễn sỹ Tế, nhà giáo, viết khảo luận văn chương …mất năm 2005, California.
———————————————————————————————
Nguồn: http://www1.voanews.com/vietnamese/news/literary/bui-giang-02-24-2010-85217387.html