Thứ Năm, 28 tháng 10, 2010

Những người 'bất lực' trên Cánh đồng bất tận

Tác giả: HOÀNG HƯỜNG
Bài đã được xuất bản.: 28/10/2010 06:00 GMT+7 trên Tuần bào Vietnam
Với phim Cánh đồng bất tận, nỗi niềm của các nhà phê bình, sự tiếc nuối của họ không phải không có lý, nhưng âu cũng có lý do của nó.
Khỏi nói độc giả văn học, mà ngay cả nhiều người trước đó thờ ơ với văn hóa đọc cũng từng bị lôi kéo vào thế giới của Nguyễn Ngọc Tư, sau khi bị những cánh đồng miền tây Nam Bộ của cô huyễn hoặc.
Một cảnh trong Cánh đồng bất tận, Ảnh BHD
Không giật gân câu khách, không đao to búa lớn, giọng văn nhẹ nhẹ thoảng thoảng mà đau như dao cắt, với những câu chuyện rất thật, rất đời của Tư đã chinh phục từ những độc giả bình thường đến các nhà phê bình khó tính.
Một truyện vừa, bìa sách không có hình ảnh HOT đã trở thành best-seller, cái tên Nguyễn Ngọc Tư trở thành đề tài bàn cãi trên khắp các văn đàn. Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi những nhà làm phim nhạy bén thị trường nhanh chân mua ngay bản quyền tác phẩm từ khi nó đang rầm rộ; và cũng không ngạc nhiên khi bộ phim ngay khi trên cánh đồng trường quay đã được bàn tán chờ đợi - và tất nhiên - nóng ngay ở những suất chiếu đầu tiên.
Cánh đồng bất tận (phim) đã thành công trong việc xây dựng một câu chuyện buồn và đẹp, buồn rơi nước mắt và đẹp nao lòng với những cánh đồng bát ngát, đẹp đến xa lạ.
Cùng một dàn diễn viên cũng đẹp như tranh, cả về hình thức lẫn tiếng tăm; từ những tên tuổi quen thuộc như Dustin Trí Nguyễn, Hải Yến, Tăng Thanh Hà đến những gương mặt mới như Ninh Dương Lan Ngọc, Thanh Hòa đều là những khuôn mặt tuyệt vời cho điện ảnh.
Lấy tiêu đề 'không đứng về phe nước mắt', một bộ phận độc giả của Cánh đồng bất tận truyện), nhà văn, nhà phê bình... đứng giữa hai 'cánh đồng' của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư và của đạo diễn Nguyễn Phan Quang Bình để bình luận câu chuyện.
Nhà văn Hồ Trung Tú đưa ra nhận xét của hai nhà văn khác là Nguyễn Quang Sáng "Chuyện có, văn có, cảnh có, nhân vật rất đậm nét, chỉ còn có hình có nhạc nữa là xong bộ phim" và Nguyễn Quang Lập "Đọc xong cánh đồng bất tận, mình thấy ngôn ngữ điện ảnh đầy ắp. Chưa thấy tác phẩm nào mà người Nam bộ lại đẹp một cách đau đớn đến thế" làm mệnh đề để phân tích câu chuyện đủ các 'tầng cảm xúc' của Nguyễn Ngọc Tư.
Hồ Trung Tú nhận xét "với một câu chuyện văn học như vậy thì chuyển thể sang kịch nói, cải lương, hát chèo gì đi nữa thì cũng lấy nước mắt khán giả một cách dễ dàng" rồi kết lại "Biết đòi hỏi là vô lý khi các tác giả đã không thể chạm tới được những tầng sâu ấy của tác phẩm nhưng chúng ta vẫn có quyền tiếc. Đơn giản là vì chúng ta đã bị đánh cắp mất đề tài, mất cơ hội để xem một tác phẩm điện ảnh có quyền để hay với thế giới".
Nhà phê bình Nguyễn Thanh Sơn thì dùng hình ảnh 'photoshop' để chỉ cách đạo diễn đã 'trang điểm' cả nội dung câu chuyện và những hình ảnh 'đẹp đến xa lạ' trong Cánh đồng bất tận của Nguyễn Phan Quang Bình, nhấn vào một số tình tiết được thay đổi trong câu chuyện và đặc biệt cái kết của phim.
Còn nhớ thời điểm cách đây vài năm, sau khi cuốn truyện được công bố một thời gian, các cơ quan chức năng Cà Mau đã 'góp phần' làm Cánh đồng bất tận nổi tiếng hơn với việc đòi kiểm điểm, phê bình nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vì đã "nói cái xấu nhiều quá! Và cũng cô đọng quá! Những nhân vật ông già, con cháu, gái làm đĩ..., kể cả cán bộ xã đều là nhân vật xấu" như lời một vị lãnh đạo Cà Mau trả lời về lý do kiểm điểm nhà văn.
Sự việc ầm ĩ cũng qua, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng bình an vô sự, nhưng cũng đủ để lại một bài học kinh nghiệm.
Trong truyện, hai vị kiểm dịch (cán bộ xã) đến, mang đi vài con vịt, mang đi hy vọng cuối cùng của Sương về một mái ấm gia đình, mang đi niềm an ủi gần như duy nhất của chị em Nương - Điền; và đổ thêm đắng cay lên tâm hồn vốn đã ngập tràn tổn thương uất hận và khinh bỉ phụ nữ của ông Võ.
Bài học 'nói xấu cán bộ' từ Nguyễn Ngọc Tư hẳn được Nguyễn Phan Quang Bình thấm thía và linh hoạt chuyển đổi. Hai 'cường hào' được thay bằng mấy gã lưu manh giả danh. Cán bộ vô can trong việc chà đạp lên một gia đình vốn đã tận cùng khốn khổ.
Đặc biệt, cái kết phim gây tranh cãi hơn cả. Nguyễn Ngọc Tư chọn kết ở trường đoạn Nương - cô con gái bị cưỡng hiếp, lúc đó cô nhớ về mẹ trong nỗi đau phụ nữ ê chề, cô gọi Điền trong lúc cùng cực thay vì gọi cha, bởi vì thực tế người cha ấy như đã chết; tiếng gọi làm ông Võ đau đớn bừng tỉnh.
Cái kết dữ dội của Ngọc Tư thốc vào tim người đọc, làm nó rung lên đau đớn và dư âm của nó cứ vang mãi.
Cánh đồng của Nguyễn Phan Quang Bình khi Điền và Sương bỏ đi thay đổi nhanh chóng và có cái kết bất ngờ. Bỗng chốc, ông Võ thay tâm đổi tính đưa cho con gái chiếc nhẫn cưới ông mua cho vợ "để sau này con lấy chồng", rồi cô con nói một câu bông phèng "giá như 7 năm trước cha như bây giờ".
Bi kịch 7 năm trước đâu phải ông Võ gây ra, và nói câu đó để làm gì? Phải chăng chỉ là câu dẫn đến cái kết đẹp đến khó tin.
Ông Võ, khi ở tận cùng tổn thương vì bị phản bội, đã đốt nhà đi biệt xứ, trốn chạy ký ức lại mang theo lá thư và nhẫn cưới của người vợ, hai thứ đáng phải trốn chạy nhất.
Giống như vùng đất bị sa mạc hóa bỗng chốc có phép tiên để trở nên tươi tốt màu mỡ, đỉnh điểm bi kịch khi con gái bị cưỡng hiếp, tài sản cuối cùng bị tước đoạt bỗng chốc lại biến ông Võ thành một lái đò hiền lành đưa trẻ đi học. Cô con gái Nương với bụng chửa với lời tự sự "con sẽ thành đứa trẻ ngoan vì có mẹ dạy dỗ" biến sự dữ dội của Nguyễn Ngọc Tư thành câu chuyện đèm đẹp tròn trĩnh như hòn bi
Gọt chân cho vừa giày?
"Trong một tác phẩm có tốt có xấu cho tròn trịa", phát biểu của vị lãnh đạo Cà Mau không những được nghệ sĩ 'lĩnh hội' trong Cánh đồng bất tận, mà có lẽ còn trở thành 'kim chỉ nam' cho các văn nghệ sĩ trong công tác sáng tạo.
Tiêu chí 'giáo dục' 'định hướng thẩm mỹ' cho người xem được các nhà quản lý văn hóa quán triệt tuyệt đối, đúng như tinh thần đồng chí lãnh đạo Cà Mau nói trên. Hình như 'đẹp tròn trịa' mới lăn được qua cửa kiểm duyệt, chứ 'xấu góc cạnh' e thời gian chờ đợi sẽ là bất tận, hoặc im lặng bất tận (phim Thủ tướng của hãng Giải Phóng là một ví dụ).
Đặt một giả thiết, nếu Cánh đồng bất tận (phim) không tự vo mình tròn trịa liệu có phải đối mặt với một trận bão táp 'kiểm điểm tư tưởng' như Cánh đồng bất tận (truyện) hay không?
Ở ta nghệ thuật - đặc biệt điện ảnh - từ lâu đã được đeo thêm những trách nhiệm nặng nề, gánh vác cả phần giáo dục và chính trị xã hội. "Mỗi nghệ sĩ là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng".
Như một đạo diễn nói vui "Việt Nam tuy không sản xuất phim thiếu nhi, nhưng phim nào cũng có thể chiếu ngày 1 - 6".
Trở lại Cánh đồng bất tận, nỗi niềm của các nhà phê bình, sự tiếc nuối của họ không phải không có lý, nhưng âu cũng có lý do của nó.
Nhưng văn học nghệ thuật vốn là hư cấu, giá như những người cầm cân nảy mực đừng quá nhạy cảm, đừng lăm lăm những cái mũ sẵn sàng chụp xuống đầu nghệ sĩ, rất có thể đạo diễn đã chọn cho phim một cái kết khác, những nhà sản xuất cũng vững tâm hơn với những sáng tạo mạnh mẽ độc lập, thay vì vừa làm vừa canh chừng 'bác nghĩ sao em nghe thế", rào rậu những sáng tạo của mình ngay từ ý tưởng.
Thay vì lèo lái vo lại thành cái kết an toàn, đèm đẹp đúng 'tiêu chuẩn', rất có thể Nguyễn Phan Quang Bình đã chọn cho phim của anh một đột phá mạnh mẽ và ấn tượng hơn chăng.
Lại nhớ chuyện cô Cám vì quyết lấy được vương tử mà phải gọt chân để đi vừa chiếc giày. Các nhà làm phim cũng phải 'photoshop' để được ra rạp. Không thể khác. Trong cánh đồng sáng tạo bất tận, họ là những kẻ 'gọt chân' bất lực.
Hoàng Hường
Nhìn lại 'bài học' của Nguyễn Ngọc Tư
Tác phẩm Cánh đồng bất tận (NXB Trẻ) của Nguyễn Ngọc Tư ở Cà Mau đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của bạn đọc. Nhưng mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau đã yêu cầu kiểm điểm nhà văn Nguyễn Ngọc Tư về những nội dung trong tác phẩm này.
Sáng 7-4, ông Dương Việt Thắng và ông Trần Văn Hiện - trưởng và phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau - đã có buổi trao đổi với Tuổi Trẻ.
* Dư luận cho rằng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (NNT) - tác giả truyện ngắn Cánh đồng bất tận (CĐBT) - vừa bị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị Hội Văn học nghệ thuật tỉnh kiểm điểm “phê phán tác giả một cách nghiêm khắc”. Điều này có không, thưa ông?
- Ông Dương Việt Thắng: Đúng là chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo Hội VHNT, sau khi xem xét những vấn đề dư luận phản ánh, chúng tôi đã đề nghị có ý kiến về các mặt tích cực, hạn chế và đề nghị Hội VHNT kiểm điểm tác giả.
* Nhưng từ tháng 9-2005 đã có nhiều báo, tạp chí trung ương địa phương đăng tải, bình phẩm truyện CĐBT. Vậy tại sao mãi đến 27-3-2006 Ban Tuyên giáo tỉnh mới có thông báo kiểm điểm NNT, thưa ông?
- Thì ngay lúc đầu tôi có đọc cũng chưa thấy ai nói gì. Sau đó có nhiều ý kiến khen chê trái ngược nhau gọi, gửi về Ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Ngay lúc đó chúng tôi định làm việc nhưng các đồng chí trong Hội VHNT bận việc, đồng chí chủ tịch hội bị bệnh phải phẫu thuật, phải chờ. Nhà văn NNT nằm trong biên chế của hội nên phải gặp thủ trưởng của nhà văn mới làm việc được.
Ngày 24-3- 2006 chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Hội VHNT gồm các đồng chí Mười Thanh (chủ tịch hội) và hai phó chủ tịch hội Lê Đình Trường, Hoàng Thêm. Đã nhận xét những ý kiến khen chê.
* Ý kiến đó thế nào, nhiều không, thưa ông?
- Sau khi CĐBT ra mắt độc giả, có rất nhiều ý kiến. Khen thì nhiều - ông Thắng cười xòa nói - nhất là khi báo Tuổi Trẻ và cả Đài truyền hình VTV giới thiệu, đăng tải. Nhưng cũng không ít ý kiến chê rất dữ.
Có độc giả Việt kiều và cả các nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng đây là thứ văn chương phản động, thậm chí là chống cộng; tục tĩu dâm ô; chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chủ yếu là chị em phụ nữ, tại vì họ giận!
* Cụ thể giận ra sao, thưa ông?
- Vùng đất tác phẩm thể hiện chủ yếu ở Cà Mau, huyện Đầm Dơi là nơi có nhiều địa danh lịch sử như Bàu Sen, đầm Bìm Bịp... Đó là ý kiến của nhiều người, trong đó có số cán bộ đã gửi về cho ngành văn hóa và cá nhân lãnh đạo tỉnh ủy, có cả dịch giả nghiên cứu văn hóa Nguyễn Kim Dân ở P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Thể hiện ý kiến bằng các văn bản thư từ, có ý kiến còn đề nghị tổ chức hội thảo nữa.
* Ông đánh giá ra sao về nội dung ý kiến của độc giả?
- Qua buổi làm việc (với Hội VHNT tỉnh) đã có ý kiến thống nhất: nói truyện ngắn CĐBT là phản động và chống cộng là không phải. Chúng tôi không cho là như vậy, không thể qua một truyện ngắn, một tác giả mà đánh giá như vậy được.
Còn nói là dâm ô tục tĩu cũng không phải đâu bởi trong truyện chỉ có vài ý nhỏ thôi, không thể đánh giá được.
* Thế còn ý kiến cho rằng NNT ám chỉ về địa danh “bôi nhọ” địa phương?
- Về vấn đề địa danh, tôi nghĩ không chỉ có Cà Mau mà NNT đã nói chung cho cả vùng Tây Nam bộ.
* Cụ thể hơn, ông thấy thế nào?
- Về chủ đề tư tưởng, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi thấy nói cái xấu nhiều quá! Và cũng cô đọng quá! Những nhân vật ông già, con cháu, gái làm đĩ..., kể cả cán bộ xã đều là nhân vật xấu. Quan điểm chúng tôi không phải không cho nói cái xấu, nói không biện chứng.
Tốt xấu bao giờ cũng có cả hai, tỉ lệ phải như thế nào đó. Nói xấu trong tác phẩm này có nhiều tình tiết đã nói quá hiện thực. Không đúng!
* Ông có thể nêu ra vài điển hình?
- Ví dụ như miêu tả gái điếm mà NNT dùng từ “dập dìu trên bờ đê” thì làm gì có. Hay như đoạn viết có nội dung: sau đợt dập dịch cúm gia cầm xong thì một phụ nữ đã buồn tiếc của mà uống thuốc tự vận.
Thực tế trong cả nước đến nay vẫn chưa có người tự vận như vậy mà chỉ có thể buồn chán thôi. Người nuôi có gia cầm bị tiêu hủy đều được bồi thường tiền. Hoặc như chi tiết: ông già chơi đĩ xong đã trả tiền cho đĩ ngay trước mặt con là không có.
Từ những chi tiết như thế, chúng tôi cho rằng tác phẩm này không có tác dụng giáo dục xã hội, giáo dục con người. Tôi không viết văn nhưng tôi biết chức năng của văn học là chức năng giáo dục và định hướng.
Mặc dù mặt trái của kinh tế thị trường có cái xấu, cái xuống cấp nhưng đa số vẫn tốt. Nói vậy để con người còn niềm tin, lạc quan hơn với cuộc sống.
* Ông đánh giá mức độ phản ứng giữa CĐBT lần này so với Cù lao Tràm của những năm đầu đổi mới thế nào, thưa ông?
- Cù lao Tràm cũng có nói tốt dù thời kỳ mới đổi mới nói về mặt trái hơi nhiều! Sau này lại có Cái đêm hôm ấy đêm gì của một tác giả ở Thanh Hóa cũng bị phản ứng! Ý tôi muốn nói trong một tác phẩm có tốt có xấu cho tròn trịa vậy thôi, không thì thiếu tính giáo dục.
Người đọc sẽ thấy bi quan. Tiến sĩ Thái Văn Long - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau - có nói không nên cho học sinh coi CĐBT vì đọc xong học sinh sẽ hiểu “xã hội dập dìu đĩ”. Có cựu chiến binh tên Nguyễn Hiền Thân ở Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi đọc xong CĐBT đã tát cô con gái của mình chỉ vì con của ông khen CĐBT hay!
* Ông nhận định sao về hai luồng ý kiến khen chê?
- Phải chờ ý kiến của các nhà phê bình văn học. Vụ trưởng Vụ VH Đỗ Kim Cuông có gặp tôi nói riêng: nhận thức tư tưởng của NNT còn non kém chứ không có chống cộng gì đâu! Chúng tôi đề nghị hội tạo điều kiện cho nhà văn nâng cao nhận thức nghiệp vụ chuyên môn. Chứ như hiện nay NNT mới học xong lớp 11 mà thôi!
* Thực tế NNT đã bị kiểm điểm chưa và kiểm điểm đến mức nào, thưa ông?
- Mục đích chính của lần mổ xẻ này là để nhà văn có dịp nhìn lại và sáng tác tốt hơn. Cũng nhẹ nhàng thôi, không có gì cay cú hay gay gắt cho dù có ý kiến còn đòi bài trừ, trục xuất nhà văn ra khỏi địa bàn.
* Trở lại với CĐBT, thưa ông Thắng, ông có nghĩ CĐBT nói cái xấu là có hại không? Văn học nghệ thuật được quyền hư cấu không, thưa ông?
- Nói cái xấu để thức tỉnh là điều tốt. Nhưng nói gì thì nói cũng phải có tính định hướng. Anh hình dung xem, trẻ mới lớn lên mà đọc CĐBT sẽ thấy cái này sao mà quá trời vậy! Trẻ sẽ hoài nghi quá đi chứ.
Đúng là sáng tác văn học nghệ thuật được quyền hư cấu nhưng phải trên cơ sở sự thật. Nói quá thành bác Ba Phi rồi! Nói quá mà nói về cái tốt, nhân cách hóa sẽ có tính xây dựng. Theo tôi, hư cấu như thế tốt.
* Vậy ông có thể cho biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong CĐBT? Ông đánh giá sao về nhà văn này!
- Tôi đánh giá cao phong cách ngôn ngữ thể hiện - đặc điểm đặc sản miền Nam - của NNT. Tôi không thể cân đo giá trị một tác phẩm văn học như làm kinh tế được.
* Xin cảm ơn ông!
TRẦN ĐỨC thực hiện
Đề nghị:
- Hội Văn học nghệ thuật kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết, cần phải có thực tiễn cuộc sống, cái đẹp, cái tốt mà xã hội đang xây dựng và phát triển. Tất nhiên, cần phê phán cái chưa tốt, nhưng phải đúng hiện thực và có định hướng cho con người đến cái chân - thiện - mỹ.
- Hội Văn học nghệ thuật nên thường xuyên có định hướng cho người viết, sáng tác nên những tác phẩm hay, có phê phán nhưng phải thận trọng tránh gây nên một phản ứng xã hội gay gắt đối với tác phẩm.
- Thường xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả hội viên ở các lĩnh vực (có Nguyễn Ngọc Tư) được tham gia học tập lý luận chính trị, trau dồi đạo đức phẩm chất, nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Riêng nội dung trả lời phỏng vấn với một số báo thiếu trách nhiệm, đề nghị Đảng, Đoàn nơi Nguyễn Ngọc Tư sinh hoạt giáo dục và kiểm điểm.
(Trích báo cáo ngày 27-3-2006 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau)
Bài đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 8-4-2006