Nguyên văn của Vvn
Minh triết phương Đông & Triết học phương Tây
Từ sự đối sánh chiều sâu triết học (phương Tây) và minh triết (phương Đông) F. Jullien đưa ra những nhận định sâu sắc, lý thú.
Triết học thiên về sự biết (connaitre), minh triết quan tâm đến sự ngộ (réaliser). Người ta biết những gì chưa biết, đối tượng của ngộ là những gì đã biết (thậm chí biết quá nhiều). Ai cũng biết mình trước sau sẽ chết, mấy ai ngộ được điều này. Ai cũng biết đời mình là như thế, mấy ai ngộ được thân làm tội đời, đời làm tội thân như thế nào... Biết dễ, ngộ rất khó... Cho nên triết gia thích nói, hay nói, lắm lời. Người minh triết ít nói, thường là chăng có gì để nói…
Triết học quan tâm đến chân lý, rành rọt đúng, sai. Minh triết quan tâm đến sự thoả đáng (congruence), đúng sai không quan trọng lắm, miễn là thoả đáng.
Triết học quan tâm đến sự phát hiện (révélation) chân lý, minh triết thiên về sự điều tiết [régulation] sao cho thoả đáng.
Triết học thiên về tính khái quát. Sự khái quát hoá góp phần vào sự tiếp cận bản chất.
Khái quát hoá thường được tiến hành từ một bình diện, như vậy bản chất cũng là được tiếp cận từ một bình diện. Mà một bình diện chưa phải là tổng thể. Một tỷ bình diện cũng chưa phải là tổng thể. Minh triết quan tâm đến tổng thể. Từ cách nhìn này, minh triết nhạy cảm hơn với những sự bất trắc, những sự khôn lường trong tồn tại. Từ cách tiếp cận này, minh triết nhạt] cảm hơn trong sự nhìn thấy cái này trong cái kia, thấy hoạ trong phúc, thấy phúc trong hoạ, thấy cái lợi trong cái hại, thấy cái hại trong cái lợi, thấy vinh trong nhục, thấy nhục trong vinh, thấy cái ác trong cái thiện, thấy cái thiện trong cái ác, thấy sống trong chết, thấy chết trong sống, thấy ngày trong đêm, thấy đêm trong ngày... thấy âm trong dương, thấy dương trong âm.
Đạo là con đường. Con đường của triết học bao giờ cũng dẫn tới đâu đó... tới chân lý, tới cõi chí thiện, tới cõi toàn mỹ tới miền đất hứa , tới thiên đường... tới Thượng đế, Đạo của minh triết không dẫn tới đâu cả... đạo là con đường ở đó... sự sống có thể sống được (viable), mọi sự rồi thì qua được... chỗ đi tới của đạo là ở sự đổi mới của bản thân nó.