Không được quyền sĩ nhục đồng nghiệp một cách khiếm nhã như thế
•Trần Mạnh Hảo
Trong cuốn “những kiếp hoa dại” của vương Trí nhàn, được gọi là, “Tập chân dung và phiến luận văn học”,do N.X.B Hội nhà văn ấn hành 1993, trang 110, trong tiểu mục với một cái tên kinh hãi: “Chất lang chạ trong mỗi chúng ta”, khi cố ý dồn cả nền văn học Việt nam hiện đại vào ngôi nhà của Lang chạ, tác giả viết: “Là lang chạ vô nguyên tắc, những cây bút phê bình không cần biết hay dở hợp gu hay không hợp gu,viết bạt mạng, viết lấy được suồng sã xô bồ trong thẩm định và đánh giá”.
Như chúng ta đã biết,hai từ lang chạ chỉ sự chung đụng trai gái cô nguyên tắc, bậy bạ, hủ hóa, hoặc dùng chỉ gái thanh lâu, đàng điếm. Chúng tôi rất lấy àm sửng sốt,bởi một người xưa nay có tiếng là lịch lãm như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn, không hiểu vì lý do gì, núp dưới chiêu bài phiến luận, đột ngột đàng điếm hóa nền văn học của chúng ta, bằng cách xô tất cả văn giới vào chốn “lang chạ”. Không biết “Chất lang chạ trong mỗi chúng ta” có bao gồm chính tác giả không, nhưng khi ông chụp mũ lang chạ lên đầu giới sáng tác và phê bình, thì có vẻ ông trừ mình ra. Nghĩa là tất cả lang chạ, trừ vương Trí Nhàn (!)
Không được quyền sĩ nhục đồng nghiệp một cách khiếm nhã như thế
Xin hãy nghe nhà phê bình văn học họ Vương nhìn đồng nghiệp, người viết văn vốn được coi là làm một nghề cao quý: “Rồi có một lần ai đó buột miệng bảo anh là điếm. Không đánh đu với lão X đó được người ta bảo vậy. Lão ấy điếm lắm, đi với ai cũng thế, chỉ cốt moi tài liệu mà thôi” (tr.109). Một nhà văn xởi lởi, gặp ai cũng chơi được, cũng vỗ vai được “chỉ cốt moi tài liệu” để viết như trên, sao ông Vương Trí Nhàn lại nỡ chửi người ta điếm? gặp ai cũng chỉ cốt moi tài liệu mà thôi là bệnh nghề nghiệp của nhà văn, âu đó là ý thức tốt về nghề chứ, sao ông Nhàn lại nỡ mạt sát người ta như vậy? Xin hãy nghe ông Nhàn cắt nghĩa căn bệnh “điếm bút” mà ông chụp lên đầu đồng nghiệp: “Có người suốt đời không biết đến người đàn bà nào khác ngoài vợ, nói đến chuyện chơi bời thì ngớ mặt ra, muốn bảo vệ nhân phẩm chị em một cách nhiệt huyết, một cách chân thành…song nhiều người trong họ lại cư sử theo đúng tinh thần của nghề mà họ khinh bỉ. Trong sự giao tiếp hàng ngày nhiều khi vì lịch sự mà chúng ta phải xếp cái cá nhân chính đáng của mình lại, để chiều chuộng tất cả những người mà ta có quan hệ. Bảo thế là điếm e còn oan. Nhưng cứ đà ấy mà kéo, nhân danh sự kiếm sống ta tự cho phép làm tất cả những việc ta vốn không thích, miễn là làm vừa lòng khách hang của mình; việc vốn thiêng liêng đáng ra phải mang tất cả tình cảm và hứng thú ra để làm lại được tiến hành một cách máy móc, theo nguyên tắc của chiếc tăc-xi, khách nào cũng chở, có tiền là chở, tiền chao cháo múc …thì đúng là lang chạ vô nguyên tắc rồi còn gì …Là lang chạ vô nguyên tắc, những cây bút nào nhận viết về mọi đề tài không phân biệt quen hay lạ, sở trường hay sở đoản, cứ có người đặt tiền vào tay là viết…”. Trời ơi, trong thời buổi kinh tế thị trường, khi chính ông Vương Trí Nhàn nổi tiếng về việc “chạy chợ bằng ngòi bút, cút kít hàng xén lặt vặt bằng ngòi bút”, viết theo đơn đặt hàng đủ các báo khắp trong Nam ngoài Bắc, viết đủ mọi chuyện thượng vàng hạ cám cốt để kiếm sống, mà cớ sao ông dám cao ngạo rủa sả đồng nghiệp viết văn viết báo để kiếm tiền là “điếm bút”? Thưa với ông Nhàn là một số kiệt tác của Balzac,của Dostoievsky viết ra để trả nợ, để cốt kiếm tiền, viết trong tiếng đập cửa như búa bổ của chủ xuất bản đến đòi nợ đấy ! Viết theo đơn đặt hàng, viết để kiếm sống, viết như một cái nghề nuôi thân, là việc làm chân chính, lẽ nào lại có thể trở thành điếm bút được chứ? Hiện nay, ở phương tây, các nhà văn lớn ăn khách như Marquez chẳng hạn, đều viết theo đơn đặt hàng (commande) cả. Nhưng lạ thay, ông Vương Trí Nhàn, một người từng hô hào hiện đại hóa văn chương Việt Nam theo khuôn mẫu phương Tây, lại không chấp nhận được kiểu nhà văn viết theo đơn đặt hàng. Đến nỗi ở trang 180, sách đã dẫn, ông coi nhà văn viết theo đơn đặt hàng là: “Giao kèo với quỷ sứ đã ký rồi”. Theo ông Nhàn, văn chương là thiêng liêng, là sang trọng, viết vì nhuận bút là lang chạ, ký với nhà xuất bản một giao kèo là: “Giao kèo với quỷ sứ”,mặc dù ông làm ở nhà xuất bản hàng chục năm nay (!) Có lẽ, trong lịch sử văn học nước nhà, cũng như trong lịch sử văn học thế giới, chưa có một nhà phê bình văn học nào như ông Vương Trí Nhàn đã hạ cấp hóa nghề văn, liều mạng gọi đồng nghiệp của mình tất thẩy đều là “lang chạ”, là “điếm bút”?
Một mình xóa sổ cả nền văn học
Với quan niệm sai trái, nhục mạ cả nền văn học Việt Nam là lang chạ, Vương Trí Nhàn tự cho phép mình đứng trên tất cả, bất chấp sự thật, chân lý, vứt bỏ mọi giới hạn của văn hóa và lương tri, làm cuộc xóa sổ nền văn học mà trước đây ông hết lời ca ngợi trong hàng chục bài viết. Chàng Don quichotte họ Vương cưỡi trên con nghẽo Rossinanté có tên là “Lang Chạ”, tay cầm ngọn giáo “phiếm luận”, mình mặc áo giáp “chân dung” xông thẳng vào tiêu diệt “Những kiếp hoa dại” mà ông có nhã ý đặt tên cho cả nền văn học. Tất nhiên, khi một người một ngựa trong cái thế giới lang chạ ấy, chàng hiệp sĩ phê bình tự tung tự tác, muốn nói gì là tùy chàng, bất cần tiêu chuẩn chân lý. Và ông Vương trí Nhàn, một nhà lang chạ học, đã vui sướng tiêu diệt nền văn học đương đại Việt Nam bằng những nhận xét quá ư càn quấy: “Sáng tác của chúng ta vừa thấp về trình độ tư tưởng, vừa yếu kém, cổ lỗ về trình độ nghệ thuật” (tr. 181) “Chúng ta không có được những ngòi bút có văn hay, những giọng văn thật độc đáo. Ngược lại giờ đây, giở nhiều trang sách dễ có cảm tưởng như nhìn vào mẹt gạo mới đong, trấu sạn còn đầy, và điều đáng tiếc là cỏ dại ăn lẫn vào cả mảnh đất chuyên canh của những ngòi bút một thời được coi là kỹ tính…Người này dùng chữ cẩu thả, người kia câu cú vặn vẹo lung tung, mẹo luật tối thiểu cũng vi phạm… Quả thật, tiếng Việt đang bị dầy vò mà ở thế kỷ này, nó không đáng phải hứng chịu “ (tr. 182).Trước và sau năm 1975, bẩy tám năm gì đó, Vương Trí Nhàn đã có hàng chục bài viết ca ngợi nội dung tư tưởng và nghệ thuật của nền văn học Cách Mạng với không chỉ các nhà văn tiền chiến tham gia kháng chiến, mà ông còn có nhiều bài ca ngợi các tác giả như Nguyễn Đình Thi, Trần Đăng, Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu, Đỗ Chu, Phạm tiến Duật, Bằng Việt, Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ… Nay,đột nhiên thấy ông nói ngược lại, xưa ông khen bao nhiêu thì giờ ông chê bấy nhiêu, chê lấy được chê như kiểu ăn chả bữa. Có lẽ, ông Vương Trí Nhàn quan niệm như thế mới là “đổi mới”, nghĩa là xưa nói trắng thì giờ, cùng một sự vật ấy, ông lại bảo nó vốn đen kịt hơn hũ nút (!) Ông báo động “Tiếng Việt đang bị dầy vò”, rằng nền văn học chúng ta đang hành hạ Tiếng Việt, tức nhiên là trừ ông ra. Ông tiếp tục làm tiên chỉ, phán: “Cái nền chung của chúng ta quá yếu; sự lạc hậu của sáng tác văn học, với ý nghĩa một ngành sản xuất tinh thần”(tr.179). “Lại cũng rất đáng báo động là trình độ nghề nghiệp của chúng ta ngày nay rất thấp” (tr.143). “Kỹ thuật viết của chúng ta hiện nay, đặc biệt là văn xuôi rất cổ lỗ” (tr.143). “Công tác nghiên cứu văn học cổ quá chậm trễ, không mang lại hiệu quả thiết thực “ (tr.184) “Cách sống, cách làm việc của từng người cũng như cách hoạt động toàn nghành (tức trình độ sản xuất) còn ở tình trạng lạc hậu “ (tr.185). Vương Trí Nhàn quan niệm văn chương là một nghành sản xuất, một công nghệ như nuôi gà công nghiệp, như đan len xuất khẩu. Rằng chúng ta mới chỉ biết làm hàng văn học nội địa, chưa biết làm xuất khẩu văn chương (!) Vương Trí Nhàn đứng trên văn giới, tiếp tục phán, ngầm bảo bọn viết văn đều thất học: “Thiếu lý tưởng nghề nghiệp, thiếu cốt cách trí thức” (tr.148) Ông cao ngạo xoa đầu giới sáng tác, chê người viết văn không chịu học hành như ông: ”Sự học hành tu luyện, suy nghĩ thêm, lo cho một câu, lo cho một chữ thì ngày càng ngần ngại” (tr.180). Trong giao tế cũng như trong văn học, hẳn ông Vương biết rằng, cái phương cách muốn giữ được sự có văn hóa, có học thức của mình là đừng bao giờ được quyền mắng người khác vô học, hoặc thiếu “cốt cách tri thức” như ông vừa phán ra.
Mối quan hệ giữa sang tác và phê bình của nền văn học đương đại được ông Vương trí Nhàn lang chạ hóa thành trò hề điếm đàng như sau: “Và đây là điều xẩy ra trong mối quan hệ tuyệt vời này: một mặt khinh phê bình như vậy, nhưng mặt khác, nhiều người lại lợi dụng phê bình. Họ hiểu,nếu trì trệ kéo dài thì chính những người phê bình kia lại đưa họ lên đài danh vọng và ở lại với lịch sử. Thật là mối quan hệ đáng ghê sợ” (tr.177) Thảo nào, một số người đã đùn đẩy ông Vương Trí Nhàn lên thành ngọn cờ “đổi mới văn học”. Đổi mới theo ông Vương là tha hồ được quyền xóa sổ nhân cách người sáng tác, bằng cách hắt toàn bộ tro trấu của quá trình “rửa quá khứ” của ông lên mặt đồng nghiệp, lên mặt bạn bè mà một thời ông từng tô son vẽ phấn. Chúng tôi kinh sợ về khả năng “đấu tố” đã bắt đầu lộ diện nơi ông Vương, khi ông “vạch mặt”đồng nghiệp: “Loại thứ nhất nói một đằng, nghĩ một nẻo mà không tự biết”. “Nếu sự phân thân ở loại người nói trên là ngây thơ, vô ý thức, thì ở loại người thứ hai là cố tình, hoàn toàn có ý thức”(tr.168) “Một số khác láu cá hơn mà cũng là loại thực dụng hơn, cứ nói theo thời thượng, chỉ cốt dư luận khen và những người có chức quyền khen, lấy sự khen tụng đó để dọa người, coi là mình đã làm lợi cho cách mạng” (tr.169). Quả là lần đầu tiên,văn chương nhà nước thông qua những trang viết “phê bình”của Vương Trí Nhàn, đã xuất hiện đầy đủ giọng điệu Chí Phèo khi gã chửi Bá Kiến, nghĩa là những ngôn ngữ đầu đường xó chợ như lang chạ, điếm đàng, láu cá, xỉ vả, khốn nạn…được phiếm luận hóa, để trở thành ngày hội cho thô lỗ và dung tục khoác y phục văn học. Hãy nghe ông Vương xỉ vả giới văn học, y như ông vừa mất con gà phê bình vậy: “Ở mỗi người, cái lì lợm, hơn nữa, cái láu cá bám vào nghề, cái đó có thừa” (tr.112). chính vì ý thưc xã hội “quan niệm tước đi cốt cách trí thức nhà văn “(tr.146) do ông Vương áp đặt, để tiêp tục xóa sổ nền văn học bằng cách rủa nó là xẩm chợ: “Đó là loại nhà văn giống như xẩm chợ, thiên về nói leo, phát biểu một thứ phản xạ tức thời và nông nổi trước đời sống hơn là chiêm nghiệm, suy nghĩ…” (tr147)
Xóa sổ nền văn học, dĩ nhiên, Vương Trí Nhàn phải xóa sổ chính văn học bằng cách sổ toẹt những thành tựu của nó, đồng thời ông còn tìm đủ mọi cách để xóa sổ cá nhân nhà văn, xỉ vả, bôi nhọ đời tư nhà văn, những người ngày xưa ông từng hết lời ca ngợi. Bới móc, thêu dệt, xuyên tạc, xúc xiểm đời tư đồng nghiệp, của bạn bè trong giới có lẽ là sở trường vô song của Vương Trí Nhàn. Hãy nghe ông “phê bình “đồng nghiệp một cách có vẻ lọc lõi và thị thành, ngôi lê đôi mách như sau; “Hãy kể về trường hợp anh nhà văn nọ, mà giờ đây, cả giới chúng tôi đều gớm! ngay từ lúc mới vào nghề, con người khôn ranh tinh quái đó đã học được toan những đức tính sang trọng của các bậc đàn anh. Thấy ai có gì hay hay cũng muốn phỗng tay trên. Bạ ai cũng sai. Sai đèo đi nơi này, nơi nọ, sai đi kiếm`cho tao mấy cái vé. Sai ra ngoài kia kiếm bia, kiếm lạc để chúng anh khề khà. Thậm chí, vào nhà người ta chơi, ngả ngốn ra đấy, sai cả bố mẹ, vợ con người ta điếu đóm hầu hạ mình luôn thể. Ấy là không kể một phương diện khác của sự hách, là cái tật hay nói, hay dậy khôn, bạ cái gì cũng dúng mồm vào, đến nhiều đám đông, chưa nghe thủng chuyện người ta nói đã ào ào như máy nước hỏng…”(tr.116).Sao lại bới lông tìm vết đồng nghiệp theo kiểu mẹ chồng nàng dâu như vậy hỡi nhà phê bình vốn từng cao đạo và sang trọng? Những cái nhìn thiếu tính nhân đạo, những xúc xiểm khinh khi đồng nghiệp kiểu hàng xén vừa dẫn trên đầy tràn trong “Những kiếp hoa dại” Vợ chồng Xuân Quỳnh-Lưu Quang Vũ đã mất lâu rồi, sao khi viết về chân dung người nữ thi sỹ bất hạnh kia, Vương Trí Nhàn còn bới móc nỗi đau và tấn bi kịch đời tư tình yêu của người ta một cách suồng sã và bất nhẫn chừng này: “Và chị tưởng rằng với tình yêu, mình có thể làm được tất cả, biến kẻ xấu thành người tốt, gã đàn ông ích kỷ thành người chồng hết lòng với vợ con; thậm chí tình yêu vượt cả những xa cách về thời gian tuổi tác…”(tr.13) Vương Trí Nhàn cũng chẳng tha cả Xuân Diệu: “Đi với dòng đời” (tên một bài thơ của Xuân diệu ) mà họ cứ cánh cánh bên lòng. Động có việc gì xẩy ra (mà trong cách mạng thiếu gì việc xẩy ra) là họ lấy mình ra xỉ vả “(tr.157) Vương Trí Nhàn lật tẩy xỏ xiên Nguyễn Khải: “Mấy năm trước, nằm mơ cũng không thể nghĩ có lúc Nguyễn Khải lại tự bảo rằng mình viết Tầm nhìn xa là bất nhân và giả dối” (tr.171). Dưới con mắt soi mói và ác ý của Vương Trí Nhàn, những bậc đàn anh tiền chiến mà ông từng ca ngợi nhiều năm bỗng hiện ra như tuồng lợi dụng, cơ hội và xấu xa: “Dưới hình thức những đặc ân đã có nhiều sự đền đáp không phải là không đáng kể. Trước các đặc ân ấy, những Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Bùi Hiển, Tô Hoài, Nguyễn Xuân Sanh… sớm nhận ra ngay và không bao giờ quên khai thác đến cùng” (tr.166)… Vương Trí Nhàn xuyên tạc ý nghĩa của việc nhà văn đi thực tế, một phương cách bám sát đời sống suốt nhiều chục năm văn học: “Khi công khai tuyên bố phải đi tìm cái đẹp, cái tốt ở người công nhân, ở người chiến sỹ, có ý nghĩa là người viết văn cảm thấy mình và những người quanh mình hàng ngày sống phù phiếm, vớ vẩn, phải nhờ quần chúng tẩy rửa, thanh lọc để tâm hồn trong trẻo, sạch sẽ hơn. Đi thực tế, do đó, là một cách từ bỏ tội lỗi” (tr.162) Với những trích dẫn và phân tích trên, chúng ta thấy Vương Trí Nhàn đã bất chấp sự thực lịch sử, không biết vì nguyên nhân gì mà ông nỡ lăng nhục cả một nền văn học của một thời, bới móc, khinh mạn, rẻ rúng các nhà văn suốt một thời mà nhờ họ, hay nói đúng hơn nhờ viết về họ, nhờ ca ngợi họ, ông mới có chỗ đứng trong văn đàn. Nhưng thực là mâu thuẫn, ở trang 70 cuốn sánh của mình, chúng tôi thấy một lần duy nhất ông vương nói đúng sự thật về một thời lãng mạn đã qua, ngược hẳn một trăm tám mươi độ với thành tích phủ nhận và xóa sổ nền văn học của cả cuốn sách: “Ngày nay, có thể ta sống khác, yêu ghét đã khác, song nghĩ lại về cái thời ấy, ta vẫ thấy bằng lòng với mình và tự nhủ rằng đó là những gì tốt đẹp nhất, không dễ mà có”.
Những khiếm khuyết của tri thức
Ở trang 65, Vương Trí Nhàn đã lầm lẫn khi cho trí thức là một cái nghề, đến nỗi,ông dám đặt bút viết: “được biên soạn gần như giành riêng cho lớp công chúng chọn lọc, những người hành nghề trí thức”. Thưa rằng, trí thức là trình độ của những người có học vấn cao, lao động bằng trí óc, có kiến thức chuyên môn giỏi trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Ở trang 18, Vương trí Nhàn viết: “Nguyễn Huy Thiệp muốn học theo bút pháp lạnh lùng hằn học của nhà viết sử Tư Mã Thiên”. Sử ký Tư Mã Thiên là cuốn sử vĩ đại của nhân loại, nếu nói như ông Nhàn, tác giả bộ sử ký lại phổ thái độ hằn học chủ quan của mình lên cuốn sách thì còn gì là lịch sử nữa. Quả là ông Nhàn chưa đọc kỹ bộ sử này, nên mới nói như vậy. Ở trang 45 Vương Trí Nhàn bỗng dưng tuyệt đối hóa Lâm Ngữ Đường, một nhà dịch thuật và trước tác Đài Loan có vị trí đứng khá sau, khá xa Quách Mạc Nhược và Hồ Thích: “ta liên tưởng tới giọng của triết gia Lâm Ngữ Đường trong cuốn sách được cả thế giới bái phục: một quan niệm sống đẹp”. Khiếp, làm gì tới mức như vậy, ngay cả nhân vật văn học số một Trung Hoa hiện đại là văn hào Lỗ Tấn cũng còn chưa “được cả thế giới bái phục”, huống nữa là nhân vật thường thường bậc trung như Lâm Ngữ Đường! Nói Lâm Ngữ Đường là nhà triết học quả tình là ông Vương chưa hề biết gì về nhà văn trung hoa này cả. Những kiến thức tí mảy, lặt vặt như thế này chúng tôi còn thấy Vương Trí Nhàn mắc phải khá nhiều lần trong một cuốn sách. Nay, chúng tôi chỉ xin nêu ra một lỗ hổng khá lớn về kiến thức nơi tác gỉa cuốn sách này. Đó là quan niệm hết sức sai lầm của Vương Trí Nhàn khi tuyệt đối hóa thơ mới 1932-1945, coi nó là tuyệt đỉnh của thơ dân tộc để từ đó, coi thường, phủ nhận những giá trị truyền thống của hồn thơ dân tộc: “dù dè dặt đến mấy, người ta cũng phải thừa nhận rằng từ năm 1932 về trước, thơ Việt Nam như bị đóng kén lại trong một hình thức cổ điển gò bó, tẻ nhạt” (tr.88).Chẳng lẽ, vì đề cao thơ mới lên địa vị độc tôn, địa vị chúa tể của thơ, đến nỗi Vương Trí Nhàn sổ toẹt những áng thơ thiên tài của dân tộc mà không có gì vượt qua đượcnhư truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Hồ xuân Hương…để coi nó là tẻ nhạt ư? Hóa ra, nhà phê bình họ Vương chưa kịp nghiên cứu kỹ những áng văn chương cổ dân tộc, nên mới kết luận rằng những Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính, Chế Lan Viên,… đều đã vượt lên đầu Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Gia Thiều Đoàn thị Đểm, Cao Bá Quát, Tú Xương (!) Do vậy, nhà phê bình mới lật đổ các thần tượng thi ca dân tộc, xem toàn bộ di sản văn học đỉnh cao cuối thế kỷ thứ 18 đến đầu thế kỷ 19 là thứ không ra gì so với nền thơ Âu hóa: “Sự thắng thế của thơ mới so với thơ cũ là một sự kiện thuộc về “đổi mới hình thức” nhưng lại có tính nội dung cao độ. Nó góp phần đánh giá xã hội Việt Nam tiến sang thời kỳ hiện đại. Toàn bộ quy phạm thi ca cũ từ nay bị xem là đồ cổ. chỉ có ý nghĩa với người nghiên cứu lịch sử “ (tr.89). Cứ tưởng Vương Trí Nhàn chỉ trở thành “anh hùng đổi mới “khi ông nhắm mắt phủ nhận nền văn học đương đại mà trước kia ông từng ca ngợi. Hóa ra, toàn bộ di sản thơ ca vĩ đại của dân tộc từ trước thơ mới ông cũng không tha, cũng dung ngọn roi thơ mới quất nên hồn thơ cha ông những trận tơi bời hoa lá theo kiểu Tú Bà đánh Kiều, thì quả tình, chúng tôi xin bái phục sự liều mạng kinh khiếp của ông Vương –một người từng chê các nhà văn Việt nam “thiếu cốt cách tri thức “(!)
Có lẽ, vì Vương Trí Nhàn cho rằng cả nền văn học chúng ta đều nằm trong thế giới lang chạ, cho nên, ông mặc sức phát ngôn bất chấp tiêu chí tố thiểu của văn hóa giao tiếp, cũng như bất chấp cả thái độ cung kính ý tứ khi bước vào đền văn chương. Ông Vương coi cá mè một lứa, đến độ ông đóng vai các nhà thơ nhà văn lớn để trả lời phỏng vấn do chính ông đặt ra. Giá ông viết lách đứng đắn và tôn kính tiền nhân thì chẳng nói làm gì, đằng này, ông lang chạ hóa cả các bậc tiền bối, bờm sờm, bông phèng nếu không nói là thiếu lẽ phép khi xuống cõi âm phỏng vấn Xuân diệu: “-Kinh nghiệm tồn tại của ông trong văn học? –Lúc làm thơ thì phải thật trong sáng. Nhưng lúc in thơ thì phải thật là cơ hội (cười )”…(tr.52) Xuân Diệu, một thiên tài thơ việt nam, cần gì ông phải giở trò “cơ hội” mới in được thơ. Thậm chí, thơ ông chưa viết xong, nhà xuất bản đã đến giục. Vương Trí Nhàn viết như trên là một sự súc phạm sâu sắc, một sự bôi bác, một đòn vu khống đánh vào hương hồn một tài thơ lớn của dân tộc nơi chín suối.
“Những kiếp hoa dại” của Vương Trí Nhàn quả là còn có nhiều cỏ dại. Có lẽ, do tác giả mặc cảm tư ti trước giới sáng tác, nên nhân có thời cơ “đổi mới”, bỗng vùng lên, ra sức sỉ vả các nhà văn Việt nam bằng những lời lẽ í tai dám dung nơi trường văn trận bút. Thậm chí, ông còn liều lĩnh mắng các nhà văn Việt Nam là ít học, là “thiếu cốt cách tri thức”. Chúng ta cũng chẳng nên oán trách vì sao ông lại cả gan xổ toẹt nền văn học mà ông từng ca ngợi, để dám gọi đồng nghiệp là điếm bút, là lang chạ như chúng tôi vừa trình bầy trên. Đến đây, chúng tôi xin trả lại Vương Trí Nhàn câu nói mà ông gán cho giới phê bình văn học Việt Nam đã trích ở đầu bài này, theo kiểu “Cái gì của Chúa xin trả lại cho Chúa, của Caesar thì trả lại cho Caesar”; Xin ông Vương giữ lấy “một lời là một buộc vào khó nghe” làm của riêng, làm vũ khí ngòi bút mình, để tiếp tục tiêu chí “đổi mới văn học” là: “lang chạ vô nguyên tắc, những cây bút phê bình không cần biết hay dở, hợp gu hay không hợp gu, viết bạt mạng, viết lấy được, suồng sã xô bồ trong thẩm định và đánh giá “ (tr.110…)
Thành phố Hồ Chí Minh đêm 5-7-1996
(Đã in báo “Quân đội nhân dân thứ bẩy số 31 năm 1996)